HSBC: Một điểm nghẽn quan trọng của kinh tế Trung Quốc đã được giải quyết
Dù vậy, HSBC khẳng định rằng sẽ vẫn cần đến các biện pháp kích cầu để giúp kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của chính phủ.
Sản xuất Trung Quốc tháng 1/2024 suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp, thực tế này phản ánh cho việc động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ở thời điểm đầu của năm suy giảm bất chấp nhiều nỗ lực của giới chức quản lý kinh tế
Chỉ số chính thức của ngành sản xuất Trung Quốc tháng 1/2024 được công bố ngày 31/1/2024 là 49,2 điểm, đúng theo dự báo của các chuyên gia và cao hơn một chút so với ngưỡng 49 điểm của tháng 12/2023. Ngưỡng dưới 50 cho thấy sự suy giảm so với tháng liền trước đó.
Chỉ số của lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bao gồm dịch vụ và xây dựng, tăng 0,3 điểm so với tháng liền trước lên 50,7 điểm – cao nhất tính từ tháng 9/2023. Theo Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), diễn biến cho thấy xu thế tăng trưởng bền vững của ngành.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích khẳng định số liệu cho thấy sự suy giảm trên thị trường bất động sản kéo dài, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu yếu, niềm tin nhà đầu tư và người tiêu dùng yếu tiếp tục gây sức ép lên kinh tế Trung Quốc.
“Động lực kinh tế hiện vẫn còn nhiều sức ép khi mà áp lực giảm phát tồn tại”, chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pinpoint Asset Management – ông Zhiwei Zhang phân tích.
Giới chức Trung Quốc đã thông báo nhiều biện pháp để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là việc gia tăng các chương trình tín dụng để hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực chiến lược khác
GDP Trung Quốc năm 2023 tăng trưởng 5,2%, cao hơn ngưỡng mục tiêu 5% của giới chức Trung Quốc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số liệu tăng trưởng GDP tích cực vượt kỳ vọng là bởi hiệu ứng nền thấp của năm liền trước khi mà đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều biện pháp phong tỏa ngặt nghèo được áp dụng
Theo phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nỗ lực kích cầu của kinh tế Trung Quốc, trong đó có bao gồm đầu tư tài khóa và giải quyết khủng hoảng sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm nay. Vào ngày thứ Ba, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 lên 4,6%, cao hơn so với mốc 4,2% của tháng 10/2023
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sau thông tin mới nhất về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ số CSI 300 giảm 0,2% còn chỉ số Hang Seng trên thị trường Trung Quốc mất 1,3% giá trị. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các chỉ số này mất lần lượt 6% và 10% giá trị
Chỉ số theo dõi diễn biến của cả ngành sản xuất và phi sản xuất là 50,9 điểm, tăng 0,6 điểm so với tháng liền trước, NBS khẳng định xu thế này cho thấy nhìn chung hoạt động sản xuất và các hoạt động kinh tế nói chung vẫn tăng trưởng
Trong nghiên cứu mới công bố về kinh tế Trung Quốc, ngân hàng HSBC nhấn mạnh một điểm sáng cần chú ý trong tổng thể kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là sự cải thiện của nhu cầu tiêu dùng nội địa, lĩnh vực này trước đây là một điểm nghẽn trong quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau dịch COVID-19
HSBC thận trọng cho rằng sẽ cần thêm gói kích cầu để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như trên: “Chúng tôi vẫn tin rằng sẽ cần đến sự hỗ trợ chính sách trên nhiều mặt trận, đặc biệt từ góc độ tài khóa để có thể giúp vực dậy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin”.