FED giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp
Sau cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2024 kéo dài 2 ngày (30-31/1), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Cơ quan này báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất đã chấm dứt, tuy nhiên cũng nói rõ rằng chưa sẵn sàng để cắt giảm.
Kết thúc quá trình thắt chặt lãi suất
Đúng như dự báo của thị trường, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan ra quyết định chính sách của FED, nhất trí giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ tư liên tiếp ở phạm vi 5,25 - 5,5%.
Đưa ra tuyên bố sau quyết định trên, FED cho thấy sự thay đổi trong quan điểm chính sách. Các thành viên FOMC đã loại bỏ khả năng sẽ “tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát được kiểm soát và hướng tới mục tiêu lạm phát ở ngưỡng 2%”.
Dù đã thông báo về "dấu chấm hết" cho chu kỳ thắt chặt lãi suất, các nhà hoạch định chính sách đồng thời cho biết chưa có kế hoạch cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát vẫn vượt quá mục tiêu của ngân hàng trung ương.
“Chúng tôi không cho rằng việc cắt giảm lãi suất là phù hợp cho đến khi đủ tự tin rằng lạm phát đang giảm về mức mục tiêu 2% một cách bền vững”, tuyên bố của FOMC khẳng định.
Một điểm thay đổi đáng chú ý khác trong quan điểm chính sách của ngân hàng trung ương nằm ở các yếu tố cần cân nhắc khi điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tương lai.
“Trong quá trình cân nhắc điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang, Uỷ ban sẽ cẩn trọng đánh giá dữ liệu kinh tế sắp tới, triển vọng phát triển và cán cân rủi ro”, FOMC nhất mạnh.
Trong các tuyên bố trước đó, FOMC cho biết, sẽ quyết định điều chỉnh chính sách dựa vào các yếu tố bao gồm “tác động tích luỹ của chính sách tiền tệ, độ trễ của chính sách tới hoạt động kinh tế và tỷ lệ lạm phát, diễn biến kinh tế và thị trường tài chính”.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách đang chờ cập nhật dữ liệu kinh tế bổ sung để xác định rõ các xu hướng. Đồng thời lưu ý, không có khả năng quá trình cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới.
“Tôi không cho rằng FOMC sẽ đạt được mức độ tự tin để có thể cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tới. Chúng tôi muốn thấy được nhiều dữ liệu tốt hơn nữa”, Chủ tịch FED nói.
Ông Powell cũng cho biết thêm, lãi suất chính sách có thể đã ở mức cao nhất của chu kỳ thắt chặt tiền tệ và nếu nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như mong đợi, sẽ là thích hợp để bắt đầu gỡ bở dần các hạn chế vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Lần cuối cùng FED đưa ra quyết định tăng lãi suất là vào tháng 7/2023, với chu kỳ thắt chặt chính sách bắt đầu từ tháng 3/2022.
Tiền gần hơn đến “hạ cánh mềm”
Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động vững chắc trong khi lạm phát cũng cho thấy nhiều dấu hiệu hạ nhiệt. Với những dữ liệu hiện tại, FED đánh giá, rủi ro trong việc đạt được mục tiêu về việc làm và lạm phát đang hướng tới trạng thái cân bằng tốt hơn, tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế vẫn chưa đủ chắc chắn và vẫn cần phải rất chú ý tới rủi ro lạm phát.
Giới chuyên gia nhận định, FED đang đi trên con đường dẫn tới một cuộc “hạ cánh mềm” với việc kiểm soát được lạm phát mà không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 12/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Trên cơ sở 6 tháng và 3 tháng, chỉ số PCE lõi của tháng 12 đều ghi nhận bằng hoặc thấp hơn mục tiêu của FED.
Trong khi đó, dữ liệu do Cơ quan xử lý dữ liệu tự động (ADP) công bố hôm 31/1 cho thấy, khu vực tư nhân ở Mỹ tăng 107.000 việc làm trong tháng 1/2024, trong khi lương hàng năm tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này theo sau mức tăng 158.000 được ghi nhận vào tháng 12/2023 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 145.000. Dù thấp hơn kỳ vọng song quy mô thị trường lao động vẫn cho thấy sự mở rộng.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong một báo cáo công bố hôm 30/1, chỉ số chi phí việc làm, thước đo mà FED theo dõi chặt chẽ để nhận biết các tín hiệu lạm phát đến từ tiền lương, chỉ tăng 0,9% trong quý IV/2023, mức tăng nhỏ nhất kể từ quý II/2021.