ACV có nguy cơ mất gần 3.000 tỷ đồng nợ khó đòi tại Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines
Tại thời điểm cuối quý IV/2023, nợ xấu của ACV đã vượt 6.500 tỷ đồng và đang phải trích lập dự phòng hơn 3.600 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng gấp gần 3 lần so với đầu năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV) cho thấy, tại ngày 31/12/2022, ACV đã cho các hãng hàng không và các bên liên quan nợ hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 44,4% so với đầu năm. Phần lớn các khoản nợ này nằm ở các công ty hàng không nội địa. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nợ 1.832 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air) nợ 2.982 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nợ 2.133 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Pacific Airlines nợ 874 tỷ đồng.
Đến cuối quý IV/2023, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi (nợ xấu) của ACV tại các hãng hàng không và các bên liên quan là 6.521 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu tại VietJet là 2.030 tỷ đồng (giảm 555 tỷ đồng so với cuối quý III/2023), tại Bamboo Airways là 2.112 tỷ đồng (tăng 309 tỷ đồng), tại Vietnam Airlines là 1.232 tỷ (tăng 138 tỷ đồng), tại Pacific Airlines là 850 tỷ đồng (tăng 90 tỷ đồng), tại Vietravel Airlines là 259 tỷ đồng (tăng 41 tỷ đồng) và tại Air Mekong (hãng bay đã dừng bay 10 năm) là gần 26 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bamboo Airways ngoài việc dẫn đầu về giá trị nợ xấu, cũng đồng thời là hãng hàng không có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu cao nhất, tới 99%. Đến cuối năm 2023, ACV đang phải dự phòng tới 1.907 tỷ đồng (tăng 880 tỷ đồng so với cuối quý III) cho khoản nợ xấu của Bamboo Airways, chiếm tới hơn 52% trong tổng số 3.645 tỷ đồng trích lập dự phòng nợ xấu của ACV.
Tương tự, Pacific Airlines chỉ xếp thứ tư về giá trị nợ xấu (850 tỷ đồng) nhưng cũng có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu lên đến hơn 97%. ACV đang phải dự phòng 760 tỷ đồng cho khoản nợ xấu tại Pacific Airlines.
Riêng trong quý IV/2023, ACV phải trích lập thêm 1.080 tỷ đồng dự phòng nợ xấu, nâng tổng trích lập dự phòng nợ xấu cả năm 2023 lên 3.645 tỷ đồng, gấp 2,9 lần con số hồi đầu năm và gần bằng 82% chi phí dự phòng nợ xấu tăng thêm trong 9 tháng đầu năm (1.320 tỷ đồng).
Việc đã trích lập cho gần hết các khoản nợ xấu tại các hãng kể trên, qua đó có thể giúp ACV giảm đáng kể áp lực trích lập dự phòng cho năm 2024.
Lợi nhuận bị ảnh hưởng vì trích lập dự phòng lớn
Việc phải trích lập dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2023 cho các khoản nợ quá hạn, gần như không có khả năng thu hồi đã khiến gánh nặng chi phí của ACV tăng lên đáng kể. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý cuối năm 2023 của ACV tăng 54,4% so với cùng kỳ, lên 1.323 tỷ đồng. Đây là yếu tố chính khiến tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2023 của ACV giảm 43% so với quý III/2023. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về doanh thu, quý IV/2023 tiếp tục là quý kinh doanh khả quan của ACV với doanh thu duy trì vượt mức 5.000 tỷ đồng (đạt 5.047 tỷ đồng), tăng gần 26% so với cùng kỳ. Theo giải trình của ACV, doanh thu quý IV/2023 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do thị trường hàng không quốc tế phục hồi.
Lũy kế năm 2023, ACV đạt doanh thu 20.033 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.572 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và tăng 18,4% so với năm 2022. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết trên HOSE (năm 2016).
Trong cơ cấu doanh thu năm 2023 của ACV, doanh thu phục vụ hành khách chiếm tới gần một nửa, đạt 9.549 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2022. Đây là khoản thu được cộng trực tiếp vào giá vé các hãng bay, được các hãng bay thu hộ cho ACV.
Kế đến là doanh thu dịch vụ hạ cất cánh, đạt 2.570 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý 1.429 tỷ đồng; doanh thu phục vụ mặt đất 506 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ khác 2.397 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không (cho thuê mặt bằng, cho thuê quảng cáo, dịch vụ hạ tầng nội cảng,…) cũng mang về 2.497 tỷ đồng cho ACV trong năm 2023, trong khi doanh thu bán hàng đóng góp 1.190 tỷ đồng vào tổng doanh thu.
Với việc đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước (bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa), trong năm 2023, các sân bay của ACV quản lý, khai thác đã phục vụ trên 113,5 triệu hành khách, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 32,6 triệu khách, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 nghìn tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710 nghìn lượt chuyến.
Thị trường hàng không tiếp tục phục hồi trong năm 2024
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2023, lĩnh vực vận tải hàng không đã có sự hồi phục và đón nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực thể hiện ở các mặt như các hãng hàng không (lực lượng vận tải) tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác, mạng đường bay quốc tế được phục hồi và mở rộng, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so năm 2019, thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ sớm đạt được mức 2019 trong năm 2024.
Theo đó, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so năm 2022, bằng 93,6% so năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19) và 1,1 triệu tấn hàng hóa, giảm 9,3% so năm 2022, bằng 87,3% so năm 2019. Vận chuyển hàng khách quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022, bằng 77% so với năm 2019.
Bối cảnh thị trường hàng không phục hồi không chỉ giúp ACV mà còn tác động đến tăng trưởng doanh thu vận tải hành khách, đóng góp lớn vào tổng doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của các các hãng hàng không Việt Nam. Trong đó, doanh thu năm 2023 của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước lên 91.458 tỷ đồng, trong khi doanh thu của VietJet cũng tăng gần 56% lên 62.535 tỷ đồng.
Với sự phục hồi tích cực của ngành hàng không trong năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách (tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023); trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách (tăng 30,6% so với năm 2023).
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 58 triệu khách (tương đương năm 2023); trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 19,5 triệu khách (tăng 30% so với năm 2023).
Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1,16 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2023); trong đó, hàng hóa nội địa là 210 nghìn tấn (tăng 10,5% so với năm 2023), hàng hóa quốc tế là 950 nghìn tấn (tăng 3,6% so với năm 2023).