Hoạt động chốt lời của nhóm ngân hàng ít gây ra xáo trộn điểm số
Nhiều cổ phiếu Ngân hàng tiếp tục ở trong trạng thái bị gãy xu hướng ngắn hạn nhưng chiều ngược lại bất động sản, chứng khoán vẫn có dòng tiền luân chuyển sang nên VN-Index không điều chỉnh sâu như phiên giao dịch cuối tháng 1/2024.
Định vị thị trường
Sắc xanh xuất hiện ở nhiều thị trường chứng khoán châu Á trong đó nổi bật nhất là Hàn Quốc với mức tăng của KOSPI (+2,87%), kế đến là SET (+1,16%), STI (+1,08%). Trong khi đó, thị trường Nhật Bản vẫn neo ở vùng đỉnh với phiên tăng 0,41% lên 36.158 điểm.
Sự tích cực của các thị trường châu Á đang liên tục được duy trì trong các phiên gần đây, giúp cho tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam không còn quá lo lắng khi chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết. VN-Index có một phiên điều chỉnh nhẹ do tiền tiếp tục luân chuyển từ các cổ phiếu Ngân hàng.
Chất xúc tác
Những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ đang tạo ra khá nhiều bất ngờ. Tính cả phiên hôm nay, HOSE đã có 2/3 phiên giao dịch khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh đã tăng 37%.
Đây là trạng thái sôi động tốt hơn so với mong đợi bởi trước đó là một chuỗi giao dịch 9 phiên ở dưới mức bình quân 20 phiên.
Các mã được giao dịch với thanh khoản cao như NVL (1.130 tỷ đồng), PDR (967 tỷ đồng), SSI (823 tỷ đồng) đã cho thấy có tần suất giao dịch lớn trong đó NVL và PDR khớp lệnh cao nhất từ tháng 11/2023.
Vai trò của nhà đầu tư nội trong bức tranh sôi động này là quan trọng nhất bởi thực tế, nhà đầu tư ngoại vẫn không thay đổi hành vi giao dịch. 2 chiều mua/bán của khối này chỉ chiếm chưa đến 8% tổng giao dịch.
Vận động thị trường
Các cổ phiếu SHB (-1,3%), BID (-0,7%), VPB (-1,8%), VIB (-1,9%), OCB (-2%), TPB (-2%) đóng cửa với trạng thái đều đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Đây là diễn biến nối tiếp của phiên ngày 31/1 cho thấy vẫn còn những áp lực bán ra khi cổ phiếu T+2 về tài khoản nhà đầu tư. Việc đưa ra kết luận về sự kết thúc của sóng ngân hàng vẫn chưa đủ thuyết phục nhưng với những nhà đầu tư lướt sóng, ngân hàng đã gãy xu hướng và sẽ cần thời gian quan sát đợt điều chỉnh này.
Điểm tích cực hơn so với phiên ngày 31/1 là nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm không mạnh và vẫn còn ACB (+1%), HDB (+2,5%), STB (+0,3%) giữ được sắc xanh. Cùng với đó, là các mã GVR (+2,7%), MWG (+2,6%), FPT (+2,1%) cũng không bị quá sức trong nhiệm vụ triệt tiêu đi ảnh hưởng giảm.
Như đã đề cập ở trên, dòng tiền cũng rất linh hoạt trong việc luân chuyển sang các cổ phiếu khác nên có thể cho rằng thị trường điều chỉnh nhưng vẫn có lực đỡ của tiền lớn. VN-Index dù điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn đóng cửa trên đường MA20, giảm 0,47 điểm xuống 1.172,55 điểm (-0,04%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 20.028 tỷ đồng trong đó có gần 2.500 tỷ đồng thỏa thuận.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tỷ lệ các mã có xu hướng ngắn hạn của HOSE không thực sự cải thiện trong các phiên gần đây. Chỉ có khoảng 46% mã đang có xu hướng tăng ngắn hạn, giảm nhẹ so với phiên hôm qua.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều chỉ biến động trong biên hẹp. HNX-Index giảm 0,01% còn UPCoM-Index tăng 0,41%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.