Lợi nhuận năm 2023 sụt giảm mạnh, Digiworld kỳ vọng trở lại mức lãi gần 500 tỷ đồng trong năm 2024
Năm 2023, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.817 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 363 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 47% so với năm 2022 và mới hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm.
Năm 2023, trong bối cảnh sức mua các sản phẩm ICT & CE (điện thoại di động và điện máy) sụt giảm, hầu hết các "ông lớn" bán lẻ trong ngành như Thế Giới Di Động, FPT Retail đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan và ngay cả "ông lớn" bán buôn như Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, sau nửa đầu năm 2023 kinh doanh ảm đạm, hoạt động kinh doanh của Digiworld đã dần có sự cải thiện hơn trong những tháng cuối năm.
Chi phí bán hàng và quản lý tăng cao ăn mòn lợi nhuận
Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Digiworld ghi nhận doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 4.849 tỷ đồng, nhờ mảng điện thoại di động và thiết bị văn phòng tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, mảng điện thoại di động vẫn là ngành đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của Digiworld, mang về 2.204 tỷ đồng trong quý IV, tăng 24% so với cùng kỳ và quý III liền trước. Quý IV thường là mùa cao điểm của mảng này với sự kiện ra mắt iPhone mới.
Tương tự, doanh thu của mảng thiết bị văn phòng cũng tăng trưởng mạnh 42% so với cùng kỳ và 24% so với quý III, đạt 1.124 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ Digiworld đã hoàn thành việc mua lại 75% Công ty Achison, qua đó hợp nhất doanh thu của các sản phẩm thiết bị bảo hộ lao động. Thêm nữa, thời điểm cuối năm là cao điểm giải ngân ngân sách cho các dự án, do vậy, ngành này được hưởng lợi khi khách hàng chính là đối tượng như doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chính phủ, trường học.
Hai mảng hoạt động khá mới là thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng tuy không đóng góp lớn vào tổng doanh thu nhưng cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 31% và 57% so với cùng kỳ, đạt 234 tỷ đồng và 215 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng kinh doanh lâu năm là máy tính xách tay và máy tính bảng lại tăng trưởng doanh thu âm, giảm 10% so với cùng kỳ, về còn 1.072 tỷ đồng. Theo lý giải của Digiworld, với các sản phẩm máy tính xách tay và máy tính bảng, người tiêu dùng đã mua sắm nhiều vào quý III nhờ động lực từ mùa tựu trường nên quý IV mức chi tiêu được ghi nhận ít hơn. Bên cạnh đó, năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn càng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu đổi thiết bị sụt giảm.
Cũng trong bối cảnh sức mua giảm, để đạt được tăng trưởng doanh thu, Digiworld phải tăng các chi phí liên quan. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 66% lên gần 371 tỷ đồng, do chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng tăng mạnh. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 59% lên hơn 64 tỷ đồng, do tăng chi phí nhân viên và dịch vụ mua ngoài.
Kết quả trừ giá vốn và các chi phí, Digiworld báo lãi sau thuế quý IV đạt 90,2 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, công ty đạt 18.817 tỷ đồng doanh thu, giảm 14,7% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm 47% về mức 363 tỷ đồng. Năm 2023, Digiworld đặt mục tiêu đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Digiworld đạt 7.501 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền, khoản tương đương tiền tăng mạnh 75%, đạt 1.450 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 40% lên 2.221 tỷ đồng, chủ yếu từ các khoản phải thu khách hàng đối với Thế giới Di động, FPT Retail, Phong Vũ và các khách hàng khác.
Hàng tồn kho ghi nhận giá trị 3.003 tỷ đồng, giảm 8% nhưng vẫn chiếm đến 40% cơ cấu tài sản. Phần nhiều đến từ giá trị hàng hóa bao gồm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Digiworld tại thời điểm cuối năm 2023 tăng 24% lên 4.874 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay nợ chiếm gần một nửa, ở mức 2.327 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng; trong khi khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 27% lên 1.557 tỷ.
Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến cuối quý IV là 2.627 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, có 1.672 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 867 tỷ.
Kỳ vọng đạt lợi nhuận 490 tỷ đồng năm 2024, lấn sân sang mảng hàng secondhand
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Digiworld đã công bố kế hoạch năm 2024 với doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 38% so với thực hiện năm 2023.
Riêng quý I, công ty kỳ vọng đạt 4.600 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 98 tỷ, tăng 16% và 24% so với kết quả cùng kỳ năm 2023.
Ban lãnh đạo Digiworld xác định năm 2024 là thời điểm thay mới các thiết bị điện thoại, laptop của người dân sau giai đoạn đỉnh điểm mua vào năm 2021.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Digiworld nhận định, 2024 tiếp tục là năm khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm và nửa cuối năm kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Theo ông Việt kế hoạch năm 2024 của Digiworld đưa ra khá thận trọng, dựa trên mảng laptop và điện thoại - chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của công ty - sẽ chỉ tăng một chữ số. Trong khi doanh thu sẽ tăng mạnh hơn ở các thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng.
Trong năm 2024, Digiworld sẽ phân phối thêm máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh thương hiệu Xiaomi. Công ty cũng sẽ phân phối độc quyền nhãn hàng Poly chuyên cung cấp các thiết bị hỗ trợ việc học trực tiếp như tai nghe, loa, giải pháp hình ảnh, USB…
Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Digiworld cho biết công ty đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney (hiện có 16 chi nhánh trên toàn quốc) lên hơn 72% trong quý IV/2023.
Theo Chủ tịch Digiworld, mục đích M&A Vietmoney là do công ty này có thể kinh doanh các sản phẩm secondhand, chủ yếu là điện thoại, laptop (hàng đã qua sử dụng). Hiện nay theo đánh giá của Digiworld thị trường điện thoại và laptop secondhand là khá lớn và chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào thị trường này.
Ông Việt lấy ví dụ, từ thống kê của các nhà mạng, tại cùng một thời điểm có hơn 40% điện thoại đang kết nối mạng là iPhone, trong khi iPhone bán mới chỉ từ 13-18% thị phần theo quý. Điều này có nghĩa số lượng iPhone đang hòa mạng lớn gấp đôi lượng máy bán mới. Một chiếc iPhone thường có vòng đời khoảng 6 năm và thường dùng 2-3 năm là đổi máy mới nên thị trường điện thoại secondhand rất lớn. Biên lợi nhuận của các sản phẩm secondhand cũng cao hơn máy mới.
Do đó, Vietmoney sẽ vừa có thể mở rộng hoạt động để vừa làm dịch vụ tài chính vừa kinh doanh các sản phẩm máy cũ.
Bên cạnh đó, khi các dịch vụ cho vay tiêu dùng thận trọng hơn sẽ ảnh hưởng đến sức mua các sản phẩm do Digiworld phân phối do người tiêu dùng không có các công cụ trả góp sẽ khó mua hàng mới hơn. Bởi vậy, việc mua bán các sản phẩm secondhand của Vietmoney sẽ có thể có nhiều tiềm năng hơn.