Chứng khoán

VN-Index vượt qua rung lắc sau khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng

Mai Hương 06/02/2024 - 17:53

Hoạt động bán ra các cổ phiếu có chiều hướng được tăng cường khi thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, rung lắc từ tác động của khối ngoại vẫn được vượt qua.


VN-Index vượt qua rung lắc sau khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng

Định vị thị trường

Chứng khoán Trung Quốc sau chuỗi giảm điểm sâu đã có một phiên tăng điểm đột biến: Chỉ số SZI đã tăng tới 6,22%, SHCMP cũng tăng 3,23% còn HSI tăng 4,04%.

So với diễn biến của khu vực, đây là chuyển động khác thường khi biên độ giao dịch của các chỉ số STI (-0,19%), SET (+0,96%), TWSE (+0,2%), KOSPI (-0,58%) chỉ ở dưới +/-1%. Được biết, nguyên nhân tác động vào kết quả giao dịch đột biến của thị trường Trung Quốc đến từ nỗ lực của chính phủ trong việc ngăn chặn hoạt động bán tháo trong 2 tuần trở lại đây.

Trong khi đó, VN-Index đang ghi nhận về nỗ lực giữ vùng điểm số cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Hiện thị trường Việt Nam cũng chỉ còn lại một phiên giao dịch cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn.

Chất xúc tác

Hoạt động bán ròng của khối ngoại có chiều hướng được đẩy lên mạnh hơn. Tính cả phiên hôm nay, khối ngoại đã có tổng cộng 3 phiên bán ròng trên 3 sàn với giá trị ròng gần 840 tỷ đồng. Trong đó, phiên hôm nay đã có 480 tỷ đồng bị rút ra với HOSE bị bán gần 410 tỷ đồng.

3ex-2024-02-06-2542.png

Trong khi đó, thanh khoản của HOSE lại sụt giảm so với 2 phiên gần nhất, xuống dưới mức bình quân 20 phiên. Điều này cũng đồng thời khiến cho sự "hiện diện" của nhà đầu tư ngoại được tăng cường. Tỷ lệ đóng góp vào giao dịch 2 chiều tăng lên 11,32%.

Vận động thị trường

Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là VHM (-0,61%), GEX (-0,24%), VCB (-0,56%), MSN (-0,15%), TPB (-0,28%), VNM (-0,59%), VRE (-0,46%) đều đóng cửa trong sắc đỏ. Và với vị thế của các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm này cũng tạo ra áp lực khá nhiều cho chỉ số trong phiên chiều.

Rung lắc đã xuất hiện vào thời điểm 14h khi VN-Index bị nhúng xuống dưới tham chiếu. Dù vậy, chỉ số vẫn kịp đảo ngược lại tình thế khi đóng cửa tăng 0,2% lên 1.188,48 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt 14.623 tỷ đồng, tương đương 619 tỷ đồng.

Tại rổ VN30 đã có 20/30 mã tăng giá giúp triệt tiêu được những chuyển động đạp xuống. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng biên độ của các mã tăng giá là không quá nổi bật. Đà tăng được dàn trải chủ yếu dưới 1%.

Các cổ phiếu ngân hàng sau khi đã có một số mã phá đỉnh tăng giá đã nhanh chóng dừng lại, nhiều mã giao dịch lình xình như BID (+0,3%), TCB (+0,4%), OCB (-0,7%), EIB (-0,5%), LPB (-0,5%).

Sự luân chuyển của dòng tiền cũng không xuất hiện quá rõ rệt khi độ rộng 43% mã tăng so với 38% mã giảm. Các trường hợp cá biệt của DGC (+5,29%), FRT (+3,35%), VCI (+2,05%), ORS (+2,8%), PVD (+1,77%) chưa đủ khuấy động cả một nhóm ngành.

Nhìn chung thị trường vẫn đang giữ được xu hướng tăng ngắn hạn tích cực trong 4 phiên liên tiếp. Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng ngắn hạn cũng đang dần cải thiện khá nhanh lên mức 53%.

ma62a-2402.png

Với HNX và UPCoM, giao dịch lại được khuấy động lên với một số mã như PVS (+2,5%), TIG (+2,5%), DXP (+7%), VEA (+1,1%), VTP (+1,5%), NAB (+1,3%), ACV (+1%), MCH (+2,7%). Thành quả của HNX-Index và UPCoM-Index đều khá tốt, tăng 0,15% và 0,38%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Mai Hương