Cuộc chiến siêu thị, đại siêu thị: Go!, Lotte, AEON dồn dập kế hoạch tỷ đô và lời đáp trả từ các thương hiệu Việt Saigon Co.op, THISO
Có thời điểm những ông chủ ngoại như Central Retail, AEON… chiếm ưu thế trong "cuộc chơi" sở hữu trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị tại Việt Nam nhưng hiện các doanh nghiệp nội đã và đang giành lại vị thế sân nhà.
Năm 2023 là năm khó khăn đối với ngành bán lẻ khi sức mua sụt giảm nhưng bên cạnh một số chuỗi bán lẻ phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự, thì các tên tuổi lớn như AEON, Saigon Co.op, Thaco, Central Retail, Lotte lại đưa ra các kế hoạch tham chiến mới và thị trường cũng đón nhận thêm tân binh đến từ ông chủ Tập đoàn Kido.
Lotte Mall West Lake Hanoi, toạ lạc tại đường Võ Chí Công, Tây Hồ, khai trương tháng 9/2023 vừa qua là tổ hợp thương mại hoành tráng nhất của Lotte tại Việt Nam từ trước tới nay khi có tổng diện tích sàn lên tới 354.000m2.
Tại khu vực này, một nhà phát triển trung tâm mua sắm khác là Takashimaya cũng đã mua lại một lô đất từ chủ đầu tư từ năm 2019 và lên kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2025 - 2027.
Central Retail với thương hiệu GO! (Big C cũ) sau khi thành công với dấu ấn “giá rẻ” trong mắt người tiêu dùng, Central Retail được biết đang bắt tay triển khai dự án “từ trang trại đến bàn ăn”. Tập đoàn triển khai dự án này cho những người phụ nữ Chu Ru ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là dự án Tu Tra). Xuất phát từ việc đội ngũ thu mua thực phẩm tươi sống của Central Retail nhận thấy các sản phẩm rau hữu cơ đang được người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên phần lớn sản phẩm của bà con nông dân trồng rau hữu cơ vẫn khó tiếp cận với người tiêu dùng ở kênh bán lẻ hiện đại. Theo đó, dự án Tu Tra triển khai, nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm rau hữu cơ.
Đây là một trong số các kế hoạch thuộc chiến lược lớn của Tập đoàn để đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam. Đầu năm 2023, Central Retail đã tuyên bố rót tiếp khoản đầu tư trị giá 1,45 tỷ USD trong 5 năm tới vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2023 – 2027, công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Trong khi đó, AEON (Nhật Bản) cũng đánh giá Việt Nam là thị trường trọng yếu trong chiến lược đầu tư và phát triển của tập đoàn, chỉ sau Nhật Bản. AEON đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009 trước khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014.
Đại diện AEON Việt Nam tin rằng, thị trường Việt Nam đang phát triển vượt bậc với nhiều yếu tố tương tự giai đoạn phát triển thần tốc của thị trường Nhật Bản trước đây.
“Nhìn lại 11 năm qua, chúng tôi thấy đã đạt được kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng và phát triển tới quy mô hiện tại trong thời gian ngắn thì Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có nhiều tiềm năng nhất”, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết tại hội thảo diễn ra vào tháng 5/2023.
Đến nay, AEON đã đầu tư hơn 1,18 tỷ USD, với 6 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam. Tập đoàn này dự kiến tiếp tục phát triển thêm 20 trung tâm thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi, giải trí.
Doanh nghiệp nội đáp trả
Các chủ đầu tư trong nước cũng thể hiện sự quyết liệt trong việc mở rộng quy mô, sức ảnh hưởng trên thị trường, mới đây, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích tại TP. Hồ Chí Minh với diện tích hơn 10.500m2 và rục rịch chuẩn bị cho việc xây dựng siêu thị Emart thứ 4 tại Hồ Tây. Trong đó, Công ty Đại Quang Minh được chấp thuận là chủ đầu tư thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm tại ô đất B1-CC1-2 tại khu đất 2,4 ha thuộc Trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.
Đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Tổng Giám đốc THISO cho biết, mặc dù được ghi nhận là một năm khó khăn tuy nhiên THISO đã đạt được một số thành tích, trong đó việc đưa vào hoạt động thành công giai đoạn 1 của Trung tâm thương mại THISO Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích được xem là điểm sáng trong thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mục tiêu đến năm 2026, THISO mở rộng hệ thống lên 14 địa điểm trải dài từ Bắc đến Nam, trở thành Tập đoàn thương mại – dịch vụ hàng đầu, và đưa Thiso Retail – Emart Việt Nam trở thành thương hiệu đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.
Sau thành công từ Vạn Hạnh Mall, một trung tâm thương mại mới tương tự vừa được ông Trần Lệ Nguyên – đại diện Tập đoàn KIDO trình làng tại vị trí 126 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Dự án mang tên Hùng Vương Plaza , có 7 tầng từ tầng 1 đến tầng 7, diện tích sàn thương mại 30.000m2. Tổng vốn đầu tư là 200 tỷ đồng, doanh thu dự kiến đạt 20 tỷ đồng/tháng. Sắp tới có thể phát triển một mô hình trung tâm thương mại tương tự tại vị trí Pandora Trường Chinh hiện nay (đang cho đối tác thuê). Theo đó, trung tâm sẽ tiến hành xây dựng và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là giới trẻ tại các khu vực lân cận.
Năm 2023, Vạn Hạnh Mall dự kiến doanh thu 450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng; tương ứng biên lợi nhuận lên đến 33,3% trên doanh thu. Còn Hùng Vương Plaza ước doanh thu 250 tỷ đồng ngay năm đầu hoạt động.
Nhắc đến các nhà bán lẻ nội, không thể không nhắc đến Saigon Co.op - nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, hiện đang sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất cả nước, chiếm hơn 35% thị phần bán lẻ khối nội. Ngoài chuỗi siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op đang phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách/ngày và mở rộng ra hơn 800 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tính đến hiện tại, hệ thống Saigon Co.op có hàng trăm siêu thị Co.opmart, cùng với các tên tuổi khác trong hệ sinh thái bán lẻ như Co.op Xtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers 24h, Sense City, SC Vivo City… phủ kín tất cả các phân khúc bán lẻ.
Mục tiêu đến năm 2025, Saigon Co.op đạt 1.000 điểm bán, tạo trải nghiệm mua sắm mới lạ, hiện đại cho khách hàng.