Nhìn ra thế giới

ING Economics dự báo CPI Trung Quốc lập đáy suy giảm

Đăng Tuấn 08/02/2024 - 19:06

Theo công bố mới nhất, chỉ số CPI tại Trung Quốc đã sụt giảm 15 tháng liên tiếp, tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng, mức đáy đã được thiết lập và CPI sẽ tăng lại ngay từ tháng tới.

trungquocgettyimages.jpg
Ảnh: GettyImages

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 1/2024, mức giảm của chỉ số này cao nhất tính từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Diễn biến của chỉ số CPI cho thấy những thách thức lớn nhất mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt.

CPI Trung Quốc tháng 1/2024 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố vào ngày thứ Năm (ngày 8/2). Đây là mức sụt giảm CPI sâu nhất tính từ tháng 9/2009 và ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tin rằng việc chỉ số CPI giảm có nguyên nhân chính do các yếu tố thời vụ và rằng nhiều khả năng mức đáy của chỉ số CPI đã được thiết lập.

Theo phân tích của NBS và một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2024 giảm là bởi cùng kỳ năm 2023 là dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng đột biến trong dịp nghỉ lễ này. Chính bởi yếu tố đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2024 giảm bởi năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2/2024.

Chuyên gia kinh tế thuộc HSBC phân tích: “Năm nay, Tết Nguyên đán vào tháng 2/2024, trong khi đó năm ngoái Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 1/2024, chính vì vậy diễn biến chỉ số giá cả có phần bị bóp méo”.

Chính quyền Bắc Kinh hiện đang rất nỗ lực để khôi phục niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư. Cùng lúc đó, Bắc Kinh đang đương đầu với nhiều thách thức như sự suy giảm trên thị trường bất động sản, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán cũng như xuất khẩu đi xuống.

Giám đốc cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị sa thải vào ngày thứ Tư khi mà tâm lý lo lắng do thị trường sụt giảm quá nhiều trong thời gian dài dâng cao.

Nhu cầu tiêu dùng yếu trong tháng 1/2024 đồng thời gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Giá thực phẩm sụt giảm gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng. Giá thịt lợn, loại thực phẩm quan trọng trong giỏ hàng hóa của Trung Quốc, trong tháng 1/2024 giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức hạ sâu nhất so với tất cả các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Giá rau giảm gần 12%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số đo lường chi phí hàng hóa dịch vụ mà các nhà máy tính với các doanh nghiệp bán buôn, giảm 2,5% trong tháng 1/2024, theo số liệu của NBS. Mức hạ này đã cải thiện so với mức giảm 2,7% của tháng 12/2023.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại tổ chức ING Economics, ông Lynn Song, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng trở lại từ tháng 2/2024.

Ở thời điểm hiện tại, hàng triệu người dân Trung Quốc đang trở về nhà với gia đình nhân dịp Tết Nguyên đán trong đợt di cư có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người. Theo Cục Di trú Quốc gia Trung Quốc, đợt di cư mùa Xuân này của người Trung Quốc thường kéo dài đến 40 ngày.

“Cần nhớ, đây sẽ là dịp Tết Nguyên đán đầu tiên không còn chịu ảnh hưởng từ các đợt dịch COVID-19”, các chuyên gia kinh tế thuộc HSBC phân tích.

Các số liệu công bố ban đầu cho thấy, số lượng người đi lại ở hiện tại đang nhiều hơn so với trước đại dịch COVID-19. Tính đến ngày thứ Ba tuần này, số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc cho hay, chỉ riêng 12 ngày trong dịp cao điểm đi lại mùa Xuân, ước tính người Trung Quốc đã thực hiện 2,2 triệu chuyến đi bằng đường hàng không và 12,9 triệu chuyến đi bằng đường tàu, tăng lần lượt 17% và 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Đăng Tuấn