Nghiên cứu - Trao đổi

Chuyển đổi số định hình tương lai của xu hướng quản lý tiền tệ tại Việt Nam và ASEAN: Khuyến nghị cho Việt Nam

Lan Nguyễn (ghi) 15/02/2024 06:19

Trong trao đổi cùng phóng viên Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ, ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc khối ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về sự gia tăng của thanh toán số, sự phát triển của thương mại điện tử B2B và việc áp dụng API (Giao diện lập trình ứng dụng) là những động lực chính thúc đẩy xu hướng quản lý tiền tệ mới nhất mà chúng ta đang chứng kiến tại Việt Nam cũng như trên toàn ASEAN.

sylvester-k_potrait-1-_240219_180823.jpg
Ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc khối ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Quản lý tiền tệ không chỉ đơn thuần là xử lý và nhận thanh toán. Đó là việc một tổ chức khai thác tiềm năng nhằm thu được nhiều lợi nhuận hơn về mặt tiền tệ khi thực hiện các giao dịch thu, giữ và thanh toán. Nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và sự ra đời của các công nghệ mới đang chuyển đổi các dịch vụ và khả năng quản lý tiền tệ từ các sản phẩm hàng hóa sang các giải pháp giá trị gia tăng.

Chuyển đổi số đang diễn ra một cách nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực

Việc gia tăng thanh toán số đã được đẩy nhanh bởi đại dịch COVID-19 và tiếp tục diễn ra trong những năm gần đây, chủ yếu là do sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử và thanh toán số. Trong khi chúng ta đã chuyển sang thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm đạt được hiệu quả hoạt động cũng như để thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Kết quả là, đã có sự gia tăng kỷ lục về cạnh tranh thương mại điện tử do nhiều nhà bán lẻ chuyển mô hình kinh doanh sang trực tuyến và trực tiếp tới người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và NAPAS, việc áp dụng thanh toán tức thì và thanh toán bằng mã QR đã tăng lên một cách đáng kể trong vòng 3 năm qua. Thanh toán nhanh đã tăng trưởng hai con số trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2022, tăng 96% về số lượng và 87% về giá trị; trong khi thanh toán bằng mã QR đã tăng mức độ phổ biến trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2023, với mức tăng lần lượt là 151% và 30% về số lượng và giá trị. Theo Statista, tổng giá trị giao dịch thanh toán số tại ASEAN dự kiến đạt 226,5 tỷ USD vào năm 2023 và tăng trưởng hằng năm với tốc độ CAGR 14,16% trong 5 năm tới, với tổng giá trị giao dịch đạt 384 tỷ USD vào năm 2027. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia ASEAN (bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan) đang thúc đẩy tăng trưởng thanh toán số và nằm trong số 4 quốc gia ASEAN (bao gồm Indonesia, Thái Lan và Philippines) được dự báo sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về thương mại điện tử vào năm 2025, với sự gia nhập của thiết bị di động, hành vi của người tiêu dùng và việc áp dụng thanh toán số ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy cho sự tăng trưởng này.

Sự tiện lợi của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng về trải nghiệm hình thức bán lẻ đa kênh không bị ràng buộc trong một cửa hàng thực tế. Hiện nay, người tiêu dùng mong muốn các nhà bán lẻ cung cấp cho họ các trải nghiệm liền mạch, phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân, trong một nền tảng hợp nhất. Cuối cùng, người tiêu dùng muốn có khả năng mua sắm và thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Sự thay đổi xu hướng này trong lĩnh vực bán lẻ cũng đòi hỏi các nhà bán lẻ phải tận dụng các công nghệ mới như hình thức đa kênh cho cửa hàng thương mại trực tuyến của họ để nâng cao các khía cạnh về số hóa, hiệu quả hoạt động, vòng quay hàng tồn kho cũng như trải nghiệm của khách hàng.

Với việc chuyển dịch sang thương mại điện tử, hình thức người tiêu dùng muốn thực hiện các thanh toán cũng phát triển mạnh mẽ, chuyển từ các phương thức thanh toán thông thường như thẻ và tiền mặt sang các phương thức thanh toán thay thế như ví điện tử, thanh toán tức thì, thanh toán bằng mã QR… đến sự tăng trưởng theo cấp số nhân về khối lượng và giá trị đã được đề cập ở trên. Khi các phương thức thanh toán thay thế này tiếp tục trở nên phổ biến, ngày càng có nhiều lựa chọn hơn tại Việt Nam.

Khi người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với sự tiện lợi của các phương thức thanh toán thay thế (tức là giữa cá nhân với cá nhân), họ sẽ mong đợi trải nghiệm tương tự khi giao dịch với các doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp phải đưa các công nghệ thanh toán mới vào hoạt động quản lý tiền tệ của mình nhằm đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng. Chúng tôi thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán tức thời cũng như các hình thức thanh toán số khác khi thực hiện giao dịch với các đối tác, chẳng hạn như người mua, người lao động,… nhằm bắt kịp xu hướng trong một môi trường đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời giúp quản lý dòng tiền một cách hiệu quả hơn. Thanh toán tức thời cho phép các doanh nghiệp gửi và nhận thanh toán ngay lập tức tại Việt Nam, việc kết hợp hình thức thanh toán này với API Banking – kết nối thời gian thực giữa doanh nghiệp và ngân hàng để trao đổi các giao dịch/tin nhắn tài chính – giúp gia tăng tối đa lợi ích bằng cách cho phép các doanh nghiệp quản lý thanh khoản hiệu quả hơn với việc kiểm soát các khoản phải thu cũng như các khoản phải chi đúng hạn.

Với sự phát triển của các phương thức thanh toán thay thế và khi các tổ chức đưa hoạt động kinh doanh của mình lên không gian mạng, đồng thời mở rộng kinh doanh sang các thị trường mới, họ phải đối mặt với các lựa chọn ngày càng đa dạng về hình thức thanh toán cũng như lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán (PSP). Việc hợp tác với nhiều PSP đòi hỏi quá trình thẩm định, đàm phán nhiều hợp đồng, quản lý nhiều kết nối kỹ thuật, xử lý các quy trình vận hành không nhất quán với mỗi PSP, tất cả các quy trình này đều rất phức tạp, các doanh nghiệp đều phải bỏ ra lượng thời gian và công sức cũng như chi phí đáng kể cho các quy trình này. Tại ngân hàng Standard Chartered, ngân hàng này giúp các doanh nghiệp dễ dàng khám phá và nhận các phương thức thanh toán phổ biến với một tích hợp duy nhất và một hợp đồng duy nhất thông qua Straight2Bank Pay, giải pháp số đa kênh (omni channel).

Mối liên hệ giữa thương mại điện tử và thanh toán số

Sự phát triển của thương mại điện tử có mối liên hệ rất chặt chẽ với sự gia tăng của thanh toán số, do đó không có gì ngạc nhiên khi mức tăng trưởng trong hai lĩnh vực này diễn ra với tốc độ gần như tương tự. Sự phát triển của thương mại điện tử và các sàn thương mại điện tử đang định hình lại các mô hình kinh doanh, tạo ra các nguồn doanh thu mới và cung cấp các hình thức kinh doanh hiệu quả và thuận tiện. Trong khi thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) đã phổ biến hơn và có mức tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, thương mại điện tử doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng đang bắt kịp xu thế này.

Theo nghiên cứu, thương mại điện tử B2B toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025, kể từ năm 2020. Sàn thương mại điện tử B2B, một phần của thương mại điện tử B2B, cũng đang phát triển một cách nhanh chóng (gấp 4 lần vào năm 2025). Ở châu Á, các kỳ lân như Alibaba.com và Indiamart.com đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trực tuyến liền mạch giữa người bán là doanh nghiệp và người mua. Tại Việt Nam, thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 37% vào năm 2025. Hiện tại, Shopee, Lazada và Facebook là những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu trong nước, mặc dù thương mại B2B còn khá mới ở Việt Nam nhưng vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn.

Nhìn chung, chúng tôi thấy các tập đoàn lớn đang thiết lập nền tảng thương mại điện tử độc lập riêng với công nghệ hoàn thiện, cùng một tinh thần sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh trực tuyến và với cơ sở hạ tầng thanh toán số hiện đại. Đối với những tổ chức đi trước trong hành trình này, họ đang tìm kiếm đưa thêm người bán bên thứ ba tham gia nền tảng của riêng họ và về cơ bản là họ muốn điều hành một sàn thương mại nhằm thúc đẩy hơn nữa doanh số bán hàng với các sản phẩm phong phú và đa dạng hơn. Công nghệ hiện đại đang đơn giản hóa việc kiểm tra và xác minh quy trình ‘Biết doanh nghiệp của bạn’ (KYB), đồng thời giúp bình thường hóa quá trình triển khai chuyển đổi số. Khách hàng có thể đạt được hiệu quả thanh toán cao hơn bằng cách cho phép người mua và nhà cung cấp tự quản lý dữ liệu tài khoản ngân hàng của họ trực tuyến và theo thời gian thực. Một loạt các ngành nghề đang trải qua quá trình chuyển đổi số tương tự như vậy với tốc độ và theo cách riêng của mình như ô tô, hàng không, sản xuất, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phần mềm...

Tài trợ vốn lưu động là một khía cạnh quan trọng khác để quản lý dòng tiền hiệu quả. Tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) nổi lên như là một giải pháp tài chính có giá trị giúp các doanh nghiệp quản lý dòng tiền một cách hiệu quả và củng cố các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng của mình. Đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, tuy nhiên, dữ liệu cho thấy thương mại toàn cầu vẫn đang gặp khó khăn về tài chính cộng với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang gặp khó khăn do thiếu nguồn tài chính. Công nghệ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết những thách thức này bằng cách tăng khả năng tiếp cận vốn lưu động thông qua các giải pháp số SCF. Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi sang các nền tảng khi các hệ sinh thái xuất hiện nhằm kết nối các ngành công nghiệp truyền thống với mục đích mang lại trải nghiệm tích hợp cho khách hàng. Chúng ta cũng nhận thấy ngày càng nhiều ngân hàng hợp tác với các công ty Fintech để xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở tiết kiệm chi phí cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng.

Mô hình nền tảng cung cấp môi trường lý tưởng để các ngân hàng hợp tác với các công ty Fintech và tạo cơ hội cho việc phát triển các giải pháp giúp doanh nghiệp củng cố chuỗi cung ứng của mình thông qua việc tăng cường khả năng hiện diện. Điều này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu bền vững, giúp cho các nhà cung cấp khả năng tiếp cận tài trợ tài chính một cách nhanh chóng và dễ dàng với giá cả phải chăng, đồng thời giúp tăng khối lượng, tăng năng suất và doanh thu trên toàn chuỗi giá trị. Quan hệ đối tác với các nền tảng của bên thứ ba cho phép các ngân hàng tập trung vào các dịch vụ cốt lõi của mình là bảo lãnh và cho vay thay vì tìm cách xây dựng hoặc mua một nền tảng. Việc này giúp giảm chi phí sở hữu khách hàng của ngân hàng và rút ngắn thời gian thực hiện.

Khi tốc độ kinh doanh tăng lên và các mô hình thương mại điện tử và trực tuyến được áp dụng ở nhiều ngành và khu vực địa lý, các nhà quản lý tiền tệ ngày càng phải đối mặt với nhu cầu về quản lý tiền tệ và thanh toán theo thời gian thực. Sự tăng trưởng trong thương mại xuyên biên giới và độ bao phủ thị trường cũng thúc đẩy các nhà quản lý tiền tệ tìm các phương thức thực hiện các giao dịch xuyên biên giới một cách dễ dàng hơn. Xu hướng tất yếu tiếp theo là sự tăng trưởng trong thương mại điện tử xuyên biên giới và thanh toán số xuyên biên giới, điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh đồng thời sẽ đòi hỏi rất nhiều khoản đầu tư và sự hợp tác của nhiều bên liên quan để phát hiện ra các tiềm năng trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, việc NHNN tham gia sáng kiến Kết nối thanh toán khu vực (RPC) vào đầu năm 2023 thể hiện ý định và định hướng của Chính phủ trong việc phát triển một hệ sinh thái số góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sáng kiến RPC được các ngân hàng trung ương của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan khởi xướng bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào ngày 14/11/2022 tại Bali, nhằm đẩy mạnh và tăng cường hợp tác về kết nối thanh toán thông qua việc phát triển các thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và toàn diện hơn. Mục tiêu của RPC là làm cho thanh toán giữa các quốc gia trở nên liền mạch, thuận tiện với chi phí phải chăng hơn, cho phép cá nhân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trên toàn khu vực ASEAN một cách dễ dàng. Việc mở rộng này kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Bằng cách kết nối hệ thống thanh toán của mình, các quốc gia thành viên ASEAN có thể tăng cường thương mại, đầu tư và chuyển tiền trong khu vực. Những điều này dự kiến sẽ mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ chung của cộng đồng kinh tế ASEAN.

Một vài khuyến nghị

Trong khi Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ vượt bậc và dự định tích cực thông qua sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thanh toán số và thương mại điện tử, việc triển khai liên tục chương trình chuyển đổi số quốc gia, gia nhập RPC… cần tiếp tục tập trung và đầu tư vào một số lĩnh vực để tận dụng các cơ hội ngày càng gia tăng, đặc biệt là với trọng tâm hiện đang chuyển sang thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thứ nhất, hạ tầng số là yếu tố quyết định chính và cần được ưu tiên. Châu Á đã nổi lên như một trung tâm dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử và Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực nhưng sự phát triển hạ tầng số ở mỗi quốc gia lại khác nhau. Việt Nam cần liên tục đầu tư phát triển hạ tầng số để hỗ trợ các giải pháp công nghệ mới nổi, đồng thời đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng và toàn bộ hệ sinh thái tài chính số.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng hậu cần đóng vai trò quan trọng vì nó bổ sung cho các giải pháp chuyển đổi số và khuyến khích các lựa chọn của khách hàng. Việc đảm bảo các công việc tại chặng cuối của hành trình hoạt động hiệu quả như phần đầu trong suốt hành trình chuyển đổi số là rất quan trọng, vì điều này mang lại lợi ích gia tăng cho tất cả các bên liên quan. Tại đây, chúng ta có thể chứng minh sự quan trọng của quan hệ đối tác và cộng tác. Sự phát triển nhanh chóng của Fintech tại Việt Nam cùng mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech là điều đáng khích lệ, điều này xây dựng nền tảng cho việc tạo ra các giải pháp sáng tạo, bao gồm cả công việc cần làm tại chặng cuối. Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác cần tiếp tục thúc đẩy và tạo môi trường khuyến khích đổi mới. Quy định về cơ chế thử nghiệm (Sandbox) liên quan đến Fintech trong hoạt động ngân hàng của NHNN là một ví dụ điển hình cho điều này và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép các ngân hàng và Fintech thử nghiệm các giải pháp sáng tạo mới trong không gian số đang tiếp tục phát triển và lớn mạnh như hiện nay.

Thứ ba, việc xem xét và sửa đổi luật và quy định là rất quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh toán số và thương mại điện tử, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới. Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần đẩy nhanh quá trình thích ứng với môi trường chính sách nhằm mở rộng kết nối và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, đồng thời đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng. Bánh xe đã bắt đầu chuyển động, chúng ta có thể trích dẫn một số ví dụ như Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thực thi các luật và quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi và tạo môi trường cho phép nền kinh tế số phát triển, mà còn giúp xây dựng niềm tin vào tính toàn vẹn của các hệ thống giúp thúc đẩy thương mại điện tử chuyển động.

Một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện đòi hỏi các dịch vụ tài chính toàn diện cho Việt Nam và thế hệ kỹ thuật số của ASEAN. Số hóa mang lại tiềm năng giúp dịch vụ tài chính trở nên toàn diện hơn. Các khuyến nghị trên kêu gọi sự hợp tác phối hợp nhiều bên để tiếp tục số hóa các dịch vụ tài chính của Việt Nam và ASEAN, nâng cao hiểu biết về tài chính và chuyển đổi số cũng như tăng cường an ninh và an toàn trong các dịch vụ tài chính số. 3 yếu tố này bổ sung cho nhau và sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế số sôi động, toàn diện và bền vững hơn ở Việt Nam và trên toàn khu vực. Thế giới sẽ ngày càng được kết nối số nhiều hơn trong tương lai. Để thành công trước sự thay đổi và gián đoạn, các nhà quản lý tiền tệ cũng cần đẩy nhanh quá trình số hóa

Lan Nguyễn (ghi)