Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Kiên Giang
Nhờ làm tốt công tác đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn nên Tết Nguyên đán 2024 công tác thanh toán trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn ra thông suốt, các cây ATM không diễn ra việc tập trung khách hàng xếp hàng chờ rút tiền mặt.
Hiệu quả thúc đẩy TTKDTM
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 51 tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động, gồm: 5 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, 25 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Hợp tác xã và và 19 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); với mạng lưới 207 cơ sở giao dịch.
Các NHTM tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt về tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. NHTM có trụ sở chính trên địa bàn (Ngân hàng TMCP Kiên Long) tiếp tục triển khai cơ cấu lại ngân hàng toàn diện, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Đáng chú ý, thời gian qua ngành Ngân hàng tỉnh đã không ngừng thực hiện tốt cung ứng phương tiện thanh toán; đẩy mạnh TTKDTM gắn với xây dựng xã hội số; tăng cường cảnh báo, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Kết quả đến nay, trên địa bàn có 364 ATM (tăng 24 máy so 2022), 3.487 máy POS (tăng 398 POS), hơn 1.607 nghìn thẻ ATM và 1.777 nghìn tài khoản; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng bằng phương thức như POS, quét mã QR từ điện thoại thông minh.
Công tác TTKDTM được tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án và Kế hoạch của NHNN về tổ chức thực hiện Đề án TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Theo đó NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương được quy định tại các Đề án và phù hợp với Kế hoạch do UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo các Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác cung ứng tiền mặt, thanh toán, dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động; quảng bá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; cử cán bộ tham gia thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn hoặc cung cấp tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán điện tử.
Nhờ sự chủ động, quyết liệt của ngân hàng, cùng sự đồng thuận, phối hợp của các cấp, các ngành, hoạt động TTKDTM trên địa bàn có nhiều chuyển biến khá tích cực, cụ thể:
(i) Cơ sở hạ tầng và công nghệ được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng bằng phương thức như POS, quét mã QR từ điện thoại thông minh; một số lượng lớn tiểu thương kinh doanh mua bán tại các chợ, khu vực đô thị đã cài đặt và chấp nhận thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp, quét QR...);
(ii) TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công có sự phát triển khá (100% các khoản thu, chi ngân sách thực hiện qua ngân hàng, trong đó 100% giao dịch nộp thuế xuất nhập khẩu áp dụng hình thức TTKDTM; 55,98% các khoản chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (tăng 5,89% so 2022), 98,05% các khoản chi trợ cấp thất nghiệp hàng tháng (tăng 7,05% so 2022), 86,04% các khoản chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần (tăng 8,04% so với năm 2022), được thực hiện bằng hình thức TTKDTM); 228/545 cơ sở giáo dục trên địa bàn áp dụng thu học phí bằng phương thức TTKDTM (tăng 176 cơ sở so với 2022); 100% cơ sở y tế áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt;
(iii) Tỷ lệ khách hàng lựa chọn thanh toán hóa đơn điện, nước bằng hình thức TTKDTM gia tăng đáng kể (36% hóa đơn tiền nước khu vực đô thị được thực hiện thanh toán qua ngân hàng; 100% hoá đơn tiền điện được thanh toán bằng các phương thức TTKDTM, trong đó 38,31% số hoá đơn được thanh toán bằng các phương thức thanh toán điện tử (Internet banking, POS, ATM, ứng dụng thanh toán ngân hàng điện tử));
(iv) Thanh toán qua thiết bị điện tử và Internet phát triển; (v) Hoạt động hệ thống thanh toán được diễn ra thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Các TCTD đã tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán, một số nghiệp vụ được số hóa 100%, nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng (tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoàn thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền...), nhiều ngân hàng có tỷ lệ thanh toán trên 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.
NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang đã chủ động theo dõi, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng (an ninh kinh tế - công an tỉnh,…) tăng cường công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao, tập trung vào việc cảnh báo người dân về những hành vi lừa đảo để người dân cảnh giác, phòng ngừa, kịp thời khai báo, cung cấp thông tin khi tiếp nhận thông tin lừa đảo, …
Phát huy giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn
Bên cạnh kết quả hoạt động chuyển đổi số, TTKDTM có sự chuyển biến tích cực, số lượng cơ sở giáo dục, y tế triển khai thực hiện TTKDTM tăng nhưng doanh số thu học phí, viện phí bằng hình thức TTKDTM vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp. Nguyên nhân do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân chậm thay đổi; niềm tin, sự hiểu biết trong sử dụng dịch vụ TTKDTM của người dân còn hạn chế.
Nhằm đẩy mạnh công tác TTKDTM trên địa bàn, năm 2024 ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục cung ứng đầy đủ tiền mặt về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền; đảm bảo công tác an toàn kho quỹ; Đẩy mạnh thực hiện Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện; Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số.
Thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu mệnh giá của các TCTD, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Tuân thủ nghiêm túc các quy định của NHNN về an toàn kho quỹ đi đôi với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, giám sát việc chấp hành của các TCTD trên địa bàn; kiên quyết xử lý các vi phạm và yêu cầu chấn chỉnh các sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra. Chủ động làm việc và phối hợp với cơ quan công an tăng cường hợp tác, hỗ trợ an ninh phòng, chống, xử lý trộm, cướp tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022, Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 09/KH-UBND ngày 12/1/2022 và Kế hoạch 137/KH-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.
Các chi nhánh TCTD tiếp tục áp dụng có hiệu quả các ứng dụng mới từ thành tựu công nghệ vào nghiệp vụ ngân hàng để nâng cao năng suất, hiệu quả. Đẩy mạnh và hoàn thiện hạ tầng công nghệ cung ứng các sản phẩm số, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là đơn vị cung ứng dịch vụ công cấp độ 4, bệnh viện, trường học,… để cung ứng dịch vụ TTKDTM; tranh thủ sự hỗ trợ của Hội sở chính, các TCTD triển khai mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với Kế hoạch triển khai Chiến lược tài chính toàn diện và Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.