Cánh đồng không dấu chân - Thanh toán chỉ một chạm và giải pháp kết nối để phát triển
Cánh đồng không dấu chân - Thanh toán chỉ một chạm là kết quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ. Việc kết nối để phát triển lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với hoạt động ngân hàng có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và chiến lược.
Nếu cánh đồng không dấu chân là kết quả của việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm sóc,thu hoạch… mang lại những lợi ích vượt trội so với phương thức sản xuất truyền thống về chi phí; về lao động và hiệu quả… thì Thanh toán chỉ một chạm là kết quả của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động thanh toán ngân hàng, theo đó khách hàng, người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại ngày nay như: thẻ ATM; mã QRcode… chỉ cần một thao tác trên các thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, quét mã QRcode; cà thẻ thanh toán qua máy POS) là thực hiện xong một giao dịch thanh toán, trả tiền trong mua bán hàng hóa dịch vụ, mang lại những lợi ích vượt trội so với thanh toán bằng tiền mặt.
Ở góc độ vĩ mô đây là những kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước và sự phát triển trong tất cả các ngành lĩnh vực của nền kinh tế. Nhìn ở góc độ vi mô, góc độ quản lý và thực hiện chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương (NHTW) để tiếp tục mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục phát huy ý nghĩa và nội hàm của thanh toán một chạm cũng như góp phần tạo điều kiện về vốn, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển theo chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các giải pháp kết nối để cùng phát triển.
Theo đó, trước tiên cần tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ngoài việc thực hiện tốt nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần tập trung thực hiện tốt những cơ chế chính sách ưu đãi của NHTW về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp và nông thôn, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc thực hiện tốt Quyết định 813/QĐ NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch không chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào lĩnh vực này mà còn phù hợp với xu hướng và yêu cầu về phát triển kinh tế xanh hiện nay, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện mở rộng và phát triển những cánh đồng không dấu chân theo hướng quy mô hơn và hiện đại hơn.
Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng GRDP, song với định hướng phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị lớn; xanh sạch, kết hợp du lịch và sinh thái tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành Ngân hàng Thành phố vẫn tập trung thực hiện tốt cơ chế chính sách của Chính phủ và NHTW đối với lĩnh vực này, theo đó dư nợ cho vay theo Nghị định 55 trên địa bàn đạt khoảng 310 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, đáp ứng vốn cho khoảng 1,6 triệu khách hàng (gồm doanh nghiệp; hộ kinh doanh và hợp tác xã tại khu vực này), góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân trên địa bàn Thành phố.
Thứ hai, việc thực hiện kết nối ngân hàng doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, với nội hàm để thực hiện tốt cơ chế chính sách về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; thực hiện tốt chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cơ giới hóa và tự động hóa trong hoạt động sản xuất và chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và cho vay chương trình nông thôn mới; tổ chức và thực hiện các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các lĩnh vực ưu tiên, với các chương trình cụ thể như gói tín dụng lâm sản thủy sản; gói tín dụng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hoặc gói tín dụng đầu tư máy nông nghiệp… như cách làm của một số địa phương, trong đó phát huy vai trò tiên phong của hệ thống ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tạo ra sự hỗ trợ trực tiếp, cần thiết về lãi suất, về vốn để mang lại hiệu quả cụ thể và thiết thực.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó áp dụng linh hoạt, phù hợp và sáng tạo những phương thức và sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với các tiêu chí về giới tính, độ tuổi và trình độ; về tổ chức và cá nhân; về loại hình sản xuất kinh doanh: HTX; doanh nghiệp; tổ sản xuất… để có những cách làm phù hợp nhằm mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực này.
Trong đó, việc tổ chức thực hiện tốt chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt theo chỉ thị 21/CT TTg của Thủ tướng Chính phủ tại khu vực này, sẽ là cơ sở để mở rộng và phát triển toàn diện hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, sự phát triển của những cánh đồng không dấu chân và những xã, huyện nông thôn mới; những làng nghề truyền thống; những hợp tác xã tiên tiến và kết hợp phát triển du lịch sinh thái và thương mại điện tử… sẽ là môi trường kinh tế xã hội thúc đẩy hoạt động dịch vụ thanh toán ngân hàng phát triển, thúc đẩy và mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực kinh tế này.
Việc kết nối để phát triển lĩnh vực quan trọng và chiếm tỷ lệ dân cư lớn trong nền kinh tế như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vai trò quan trọng, cần thiết và chiến lược. Mỗi TCTD bằng những hành động cụ thể thiết thực với các giải pháp về tín dụng; về thanh toán, đồng thời thực hiện tốt cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, tạo ra nhiều cánh đồng không dấu chân hiệu quả và là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành kinh tế truyền thống, quan trọng gắn liền với lịch sử phát triển đất nước.