Hoạt động ngân hàng

Dòng chảy tín dụng tiếp sức phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau

ThS.Trần Trọng Triết 19/02/2024 - 10:03

Bước sang năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh Cà Mau nỗ lực, quyết tâm khơi thông nguồn vốn tăng trưởng tín dụng, đồng hành và sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh ngành hàng chủ lực mà tỉnh có lợi thế để tạo đột quá tăng trưởng kinh tế địa phương.

cac-ngan-hang-chu-dong-ho-tro-viec-tiep-can-nguon-von.-2-.jpg
Các ngân hàng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn

Dòng chảy tín dụng tiếp sức tăng trưởng

Xác định tầm quan trọng của công tác đầu tư vốn tín dụng ngân hàng góp phần đột phá tạo động lực, mở đường phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng đã chủ động, tích cực đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận những chính sách cho vay ưu đãi hiện nay.

Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km. Trên biển có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc. Cụm đảo Hòn Khoai có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm giữa vùng biển Ðông và vịnh Thái Lan, gần đường hàng hải quốc tế, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành, lĩnh vực như: khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, khoáng sản, du lịch, dịch vụ và phát triển năng lượng tái tạo.

Với đội tàu khai thác xa bờ trên 4.000 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản bình quân hằng năm khoảng 250.000 tấn. Ðánh bắt là lĩnh vực rất quan trọng, chiếm khoảng 43% sản lượng thuỷ sản và hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh.

Ngoài khai thác, vùng biển Cà Mau có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản, như: hàu, sò huyết, cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu kinh tế (KKT), đến nay có tổng số 50 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 20.856 tỷ đồng. Trong 50 dự án, có 5 dự án thuộc doanh nghiệp có quy mô lớn; còn lại doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% trong tổng số doanh nghiệp trong KCN, KKT. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu tập trung ở ngành nghề nông nghiệp thủy sản, công nghiệp chế tạo, thương mại, dịch vụ, xây dựng, khai khoáng, cảng tổng hợp.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp tỉnh, 9 chi nhánh cấp huyện và 63 phòng giao dịch. Khách hàng có thể lựa chọn các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng phù hợp và thuận tiện với điều kiện để tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.

Đáng chú ý, dòng chảy tín dụng ngân hàng tập trung đầu tư vốn vào lĩnh vực kinh tế mà địa phương có thế mạnh, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá, tuy nhiên, so với các năm trước thì vẫn đạt mức thấp. Cụ thể, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 41.956 tỷ đồng, tăng 9,20% so với năm 2022; dư nợ tín dụng tăng 10,53% so với cuối năm 2022 (đạt 69.345 tỷ đồng); lãi suất cho vay bình quân những món cho vay mới ngắn hạn giảm khoảng 1,99%/năm, trung, dài hạn giảm khoảng 0,57%/năm; công tác chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; nhiều khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ, mà tiêu biểu là tại các Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do NHNN chi nhánh tỉnh tổ chức, hay giải đáp trực tiếp tại các buổi Cà phê kết nối doanh nghiệp được UBND tỉnh tổ chức hàng tuần.

Đặc biệt, NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, hiện có dư nợ cho vay gần 24.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,97%/tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, với 70.060 khách hàng còn dư nợ.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất từ NHNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên toàn tỉnh đạt hơn 2.614 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là hơn 11,43 tỷ đồng.

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến nay, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN các chi nhánh ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi đã được cơ cấu là 1.210 tỷ đồng.

Cà Mau là tỉnh có lợi thế về lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản. Do vậy, để triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho 2 lĩnh vực trên đạt hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và người dân hoạt động trong lĩnh vực trên, NHNN chi nhánh tỉnh Cà Mau đã chủ động triển khai đến các chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia thực hiện chương trình.

Theo đó, Agribank chi nhánh Cà Mau đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh như hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN; chương trình tín dụng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu..., giúp khách hàng đảm bảo tài chính, duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ phục hồi.

Đối với Chương trình tín dụng lâm sản, thuỷ sản, Agribank dành tối đa 3.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Trong đó, cho vay lĩnh vực lâm sản tối đa 500 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực thuỷ sản tối đa 2.500 tỷ đồng. Chương trình được triển khai từ ngày 31/7/2023 đến hết ngày 30/6/2024 và có thể kết thúc sớm hơn khi đủ 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Agribank chi nhánh Cà Mau đã và đang triển khai thực hiện chương trình, chủ động tuyên truyền, tạo điều kiện hướng dẫn khách hàng tiếp cận chương trình đảm bảo phù hợp, theo quy định, góp phần mở rộng cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Cùng đồng hành với khách hàng, Sacombank Cà Mau đã chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay khách hàng giảm từ 1-4%/năm. Ðến nay, Sacombank Cà Mau đã điều chỉnh giảm trên 110 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, với dư nợ trên 300,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sacombank Cà Mau, còn thực hiện chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản. Theo đó, đối tượng áp dụng là khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản. Nguồn vốn triển khai trên toàn hệ thống là 1.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến ngày 30/6/2024 hoặc đến khi hết nguồn cho vay. Lãi suất từ 8-8,5%/năm.

Ðể nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sớm tiếp cận được nguồn vốn các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thường xuyên thực hiện các giải pháp phổ biến thông tin chương trình rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc thông qua cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn về quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay của đơn vị đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và người dân nắm, tiếp cận khi có nhu cầu. Tăng cường tinh thần trách nhiệm của từng nhân viên tín dụng trong việc hỗ trợ người vay thuận lợi tiếp cận vốn vay theo quy định. Xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu vốn tín dụng, thời gian thực hiện cho các phòng giao dịch trực thuộc để dễ dàng nắm tình hình, theo dõi và đôn đốc thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tạo đột phá năm 2024

Cà Mau xác định năm 2024 là năm bứt phá để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của tỉnh. Dự báo nhiều khó khăn nhưng kiên định với mục tiêu phát triển, tỉnh quyết tâm với nhiều hành động và nỗ lực trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, tạo ra cơ hội mới với nhiều đột phá, phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tiên, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai thực hiện, đặt nền móng rất quan trọng nhằm định hình một Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là nhiều dự án đầu tư trọng điểm được hoàn thành cũng như khởi công mới; công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất trong nhiều lĩnh vực; các dự án điện gió được đầu tư hoàn thành, đi vào vận hành thương mại...

Cà Mau đặt mục tiêu khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng triển khai trên địa bàn tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội và đảm bảo đời sống của Nhân dân. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng và mở rộng quan hệ đối ngoại. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, có 21 chỉ tiêu trên các lĩnh vực được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đáng chú ý là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 7% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 26.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.250 triệu USD; thu ngân sách đạt 5.336 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 12.579,9 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 33%; tỷ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu 0,4%...

Nhằm thực hiện mục tiêu của tỉnh đề ra, ngành Ngân hàng tỉnh Cà Mau nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, với nhiệm vụ triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ và của tỉnh để chỉ đạo, thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng hiệu quả; các ngân hàng tăng cường huy động vốn, ưu tiên đầu tư tín dụng cho các lĩnh vực, chương trình, dự án trọng điểm thuộc 18 đề án trọng tâm giai đoạn 2020-2025, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đối với cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng.

ThS.Trần Trọng Triết