Đóng cửa tại 1.230 điểm, VN-Index có 7 phiên tăng liên tiếp
VN-Index có phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp và đang dần áp sát vùng đỉnh của năm 2023. Điểm nhấn giao dịch của phiên đến từ các mã nhóm Vingroup và GVR.
Định vị thị trường
Sau giai đoạn tăng đồng loạt, chứng khoán châu Á đã xuất hiện các phiên biến động trái chiều nhiều hơn. Hầu hết các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia đều vẫn giữ được xu hướng tăng tích cực nhưng sẽ khó tránh khỏi áp lực chốt lời khiến đà tăng bị cản trở.
NIKKEI 225 (-0,28%), KOSPI (-0,84%) đã giảm điểm trái ngược với TWSE (+0,63%), KLSE (+0,95%), SHCMP (+0,42%), HSI (+0,57%).
VN-Index vẫn nằm trong nhóm tăng điểm của châu Á với phiên tăng thứ 7 liên tiếp. Thành tích tăng 8,86% từ đầu năm 2024 đang giúp cho chỉ số xếp sau NIKKEI 225 nhưng lại vượt xa các thị trường còn lại.
Chất xúc tác
Theo thống kê, phiên giao dịch hôm qua là phiên thứ 2 kể từ đầu năm 2024, HOSE đạt tổng giá trị giao dịch hơn 1 tỷ USD. Đây là cột mốc mang tính điểm nhấn với nhà đầu tư nhưng thực tế, thanh khoản thị trường những phiên trước và sau Tết Giáp Thìn đã khá sôi động cho thấy dòng tiền không có dấu hiệu nghỉ ngơi.
Tính cả phiên hôm nay, sàn đã có 7/10 phiên giao dịch đạt quy mô khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên. Vai trò của tiền nội hầu như đều thể hiện sự lấn lướt khi thường xuyên chiếm hơn 90% tổng giao dịch 2 chiều trên sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài trong khi đó không thường xuyên đẩy tỷ trọng giao dịch qua ngưỡng 10%. Vì vậy, việc xuất hiện các phiên trên ngưỡng này là khá đáng chú ý.
Trong phiên hôm nay, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại được tăng cường lên 12,05%. Tuy nhiên, đây lại là phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp trên HOSE với giá trị ròng hơn 140 tỷ đồng.
Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là MSB (+232 tỷ đồng), VIX (+145 tỷ đồng), VHM (+120 tỷ đồng), VRE (+115 tỷ đồng), VIC (+112 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Sự hiện diện của tiền ngoại tại VIX (+2,23%), VHM (+1,32%), VRE (+6,03%), VIC (+3,19%) cũng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng đã được ghi nhận từ phiên hôm qua.
Ngoài ra, còn có sự kết hợp của GVR (+5,2%), SAB (+1,2%), VCB (+1,2%), HDB (+1,1%) cũng thể hiện đóng góp mạnh mẽ cho VN-Index. Trong đó, GVR là trường hợp rất đáng chú ý khi chỉ mất 2 phiên hấp thụ nguồn cung chốt lời để nối tiếp đà tăng mạnh mẽ.
Thành tích tăng của GVR từ đầu năm 2024 cho đến hết phiên giao dịch 20/2 đã đạt 33,02%, nhỉnh hơn cả một số mã Ngân hàng như MBB (+28%), CTG (+30%), BID (+14%), ACB (+15,3%).
Tuy nhiên, hiệu ứng của nhóm Vingroup hay GVR không thực sự đem lại cú hích rõ rệt lên các cổ phiếu. Độ rộng của HOSE khá cân bằng với 245 mã tăng so với 231 mã giảm và 95 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm Chứng khoán đã không thực sự bứt phá dù đã có thêm một phiên giao dịch tỷ USD trên HOSE. Các mã FTS (+2,6%), VIX (+2,2%), AGR (+1,7%), CTS (+1,1%) đều bị ghìm lại cuối phiên trong khi SSI (+0,3%), VND (+0,2%), HCM (0%) dao động khá hẹp.
Các mã điều chỉnh như DBC (-1%), CII (-1,3%), DIG (-0,36%), NKG (-0,61%), HSG (-1,07%), DGW (-1,92%), HDG (-1,11%), PVD (-0,17%) chỉ ghi nhận biên độ hẹp nhưng đã góp phần khiến cho thị trường trở nên giằng co hơn.
VN-Index chốt phiên tăng 5,09 điểm lên 1.230,06 điểm (+0,42%). Tổng giá trị giao dịch đạt 21.121 tỷ đồng, tương đương 939 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa chỉ với biên độ hẹp, tăng 0,05% và 0,08%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.600 tỷ đồng.