Hoạt động ngân hàng

Lãnh đạo các ngân hàng “hiến kế” thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả

P.V 21/02/2024 10:31

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024” vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, lãnh đạo các ngân hàng đã nêu bật những khó khăn và kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả ngay từ đầu năm. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trích đăng một số ý kiến.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần có sự chung tay tháo gỡ khó khăn từ các bộ, ngành và địa phương

z5175979318584_72537929d9a7f0d08a27487a8e60c52a.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng đầu năm 2024 là do cầu tín dụng trong nền kinh tế còn thấp. Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024” là rất cần thiết. Đây là hội nghị rất quan trọng liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng năm 2024, đồng thời tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể thấy, thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn đi đầu, sẵn sàng dành nguồn lực của chính mình để hỗ trợ nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chỉ sự nỗ lực của riêng ngành Ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự chung tay tháo gỡ khó khăn từ các bộ, ngành và địa phương. Tôi rất mong muốn có thêm nhiều giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và cho các TCTD.

Agribank cam kết triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng

z5175979279724_2130817653ea1725e2a26daf251bf45d.jpg
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

Để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm 2024 đến nay, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3% - 0,5% và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5% - 1%. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-9,5%/năm đối với cho vay trung dài hạn).

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, Agribank cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh…

Agribank kiến nghị, NHNN cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu đến ngày 31/12/2024 thay vì ngày 30/6/2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến ngày 31/12/2025 trích đủ 100%; với các khoản nợ được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho phép TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh nhóm nợ theo CIC ngay trong kỳ phân loại nợ (không phải chờ đến kỳ điều chỉnh nhóm nợ theo CIC tiếp theo).

Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thì ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề về pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2024 dự báo nền kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và NHNN, Agribank tin tưởng và cam kết tiếp tục phát huy vai trò của một NHTM hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng, tích cực đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế

z5175979282258_5a7ce7ed860d871c91f36dbec225ce76.jpg
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Những nguyên nhân chính cho việc giảm tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân, còn chậm; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng tăng 25% cùng kỳ. Hiện tại, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm; các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và năm 2025, nên áp lực giảm nợ xấu khi đến hạn sẽ rất lớn. Giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm thì xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn do thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tìm kiếm môi trường kinh doanh mới. Tăng vốn tự có, từ đó giúp các TCTD tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng có vốn nhà nước tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận để lại của ngân hàng. Đồng thời, xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các cam kết đã ký với các TCTD và nhà đầu tư, từ đó tạo ra niềm tin tiếp tục tham gia tài trợ cho các dự án của địa phương.

Hiện nay chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP hết hiệu lực, BIDV kiến nghị với Chính phủ xem xét, duyệt phần còn lại sang các chương trình khác cho khách hàng. Đối với NHNN, đề nghị xem xét lại kéo dài thời hạn của Thông tư 02 đến hết năm 2024.

Vietcombank tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung của thị trường

z5175979276791_f0b66fd9235b9ce308bf67e4f1fb5408.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Vietcombank tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung của thị trường, thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Vietcombank cũng luôn kịp thời thực hiện hướng dẫn chính sách của NHNN, chủ động thực hiện giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách theo đúng chỉ đạo của thống đốc NHNN.

Về định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024, Vietcombank tập trung tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và NHNN. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng khách hàng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các dự án trọng điểm, dự án lớn có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội tại địa phương và toàn quốc như: hạ tầng hàng không, cảng biển, giao thông, lĩnh vực năng lượng, dầu khí, bất động sản công nghiệp... Vietcombank cũng tập trung cho vay các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu…

Tuy nhiên, để các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, Vietcombank mong muốn NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư trong, ngoài nước và ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư. Đồng thời, cũng giúp các NHTM tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, Vietcombank cũng mong muốn NHNN kiến nghị với Chính phủ và chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, đặc biệt pháp lý về đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo đúng tiến độ.

Sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

z5175979290988_1995b634496698765cf2248e5b02721a.jpg
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

Điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng hiện nay đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp:

Thứ nhất, có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp;

Thứ hai, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu;

Thứ ba, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu;

Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD cũng như toàn nền kinh tế.

Trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Cần có các giải pháp để hỗ trợ các TCTD trong hoạt động thu hồi nợ

z5175979313775_13cb3df0c00a4e919ab1a7fd9eb0d267.jpg
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Mặc dù nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, song chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài, các dự án lớn và đầu tư công. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đang cho thấy sự kiệt quệ khi chỉ có khoảng 1-2% doanh nghiệp là có đủ sức phát triển. Thực tế này đang ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, nhất là những NHTM cổ phần – vì phân khúc khách hàng chính là các doanh nghiệp tư nhân.

Mặt bằng lãi suất hiện nay đang rất thấp, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ có 5,9%/năm. Vậy nên, lãi suất không còn là vấn đề “đau đầu” như những năm trước đây.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tháo gỡ các khó khăn, đề nghị NHNN tiếp tục làm đầu mối hỗ trợ để đưa các quy định về thu hồi nợ tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sớm đi vào thực tiễn. Rất tiếc là các kết quả tại Nghị quyết 42 về thu giữ tài sản bảo đảm không được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, đặc biệt liên quan đến nhà đất và dư nợ của các doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay cho thấy, các quy định pháp luật về thu hồi nợ bị thu hẹp, nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc, kết quả là thu hồi nợ của ngân hàng đều sụt giảm mạnh, tại FE Credit hoạt động thu hồi nợ giảm tới 50%. Tôi đề nghị, cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ đối với hoạt động tài chính tiêu dùng, ngăn chặn và đẩy lùi các hình thức tín dụng đen; song song với đó là có các giải pháp để hỗ trợ các TCTD trong hoạt động thu hồi nợ.

Công bố lãi suất cho vay trên website ngân hàng nên ở mức độ cá nhân

z5175979304765_98a67190bc5fed788321445095d9dde8.jpg
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Năm 2023, ngân hàng đã tập trung phát triển, xây dựng sản phẩm để mở rộng hoạt động ngân hàng và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sang đến năm 2024, các nội dung tăng trưởng tín dụng đã có thể phát triển trong các lĩnh vực mới.

Về cơ cấu nợ theo Thông tư 02, đến cuối tháng 1/2024 đã có khoảng 6.000 tỷ đồng được cơ cấu lại nợ và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ, Techcombank kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.

Về lãi suất, ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay đáng kể trong năm 2023. Đến nay, lãi suất cho vay bình quân tại Techcombank vào khoảng 8%/năm đối với các doanh nghiệp và 9%/năm đối với khách hàng cá nhân.

Đối với cho vay doanh nghiệp thực tế, hoạt động cho vay doanh nghiệp phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, từng mức độ rủi ro,… Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp trên website của ngân hàng nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, Techcombank kiến nghị công bố lãi suất cho vay nên ở mức độ lãi suất cho vay cá nhân do ảnh hưởng đến phần đông cá nhân xã hội và được công chúng quan tâm.

Đề nghị NHNN có hướng dẫn chi tiết để các TCTD thực hiện thống nhất khi công bố lãi suất cho vay trên Website

z5175979297279_032222041315630c54e6da8abdb8176d.jpg
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

MB thống nhất và đánh giá cao các chương trình điều hành của NHNN trong năm 2023 và những chính sách trong năm 2024.

Trong thời gian qua, MB đã tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, có đầy đủ dữ liệu thực hiện cho vay tiêu dùng, hạ lãi suất,... giúp người dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn và đẩy lùi “tín dụng đen”, hướng đến mục tiêu chung của NHNN.

Đối với yêu cầu về công bố lãi suất cho vay bình quân trên website của từng TCTD, MB đã sẵn sàng hệ thống tính toán và dữ liệu để thực hiện việc công bố thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN.

Tuy nhiên, MB đề xuất NHNN có hướng dẫn chi tiết để các TCTD thực hiện thống nhất, trong đó: Mức lãi suất bình quân công bố nên tách theo kỳ hạn, đối tượng khách hàng để phù hợp thực tế triển khai tại các TCTD và yêu cầu của NHNN.

Lãi suất công bố nên để khoảng lãi suất của các khoản vay có quy mô dư nợ phổ biến tại TCTD, để tránh việc xã hội hiểu không chính xác về thông tin lãi suất (quá cao hoặc quá thấp của một số khoản có quy mô dư nợ đặc thù, không đại diện cho danh mục của TCTD); đồng thời phù hợp với thực tiễn khi các ngân hàng áp dụng các cơ chế lãi suất theo rủi ro tiệm cận thông lệ ngành.

Đề nghị gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 đến ngày 30/6/2025

z5175979297884_2f469537f85fdb8c2f3e0dc6beb40db4.jpg
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank)

Với dự báo năm 2024 tình hình kinh tế sẽ vẫn còn có nhiều biến động và khó khăn khó lường, vì vậy ngay sau khi tham dự Hội nghị triển khai ngành Ngân hàng 2024 của NHNN tổ chức vào ngày 8/1/2024, tiếp thu tích cực và nhanh chóng các chỉ đạo và định hướng của NHNN, LPBank đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó, chủ động và khẩn trương, đặc biệt về việc đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm theo định hướng tăng trưởng tín dụng 15% và cho đến hết tháng 1 đã có những kết quả tích cực như: Tăng trưởng tín dụng của LPBank đạt gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 3,3%, doanh số giải ngân là gần 30.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái và cho thấy các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ngay từ đầu năm đã mang lại hiệu quả cao.

Đối với việc triển khai Thông tư số 02, lũy kế tính đến hiện tại, LPBank đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 192 lượt khách hàng, với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng được kéo dài thời hạn thêm tối đa 12 tháng dẫn đến khi đến hạn trả nợ cơ cấu thì số tiền trả nợ hàng kỳ sẽ bị gấp đôi lên đối với khách hàng vay vốn trung dài hạn (bao gồm số tiền đến hạn định kỳ và số tiền cơ cấu nợ), dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ khi đến hạn trả nợ cơ cấu. Do vậy, LPBank đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm 12 tháng (đến ngày 30/6/2025) để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.

Lãi suất không phải vấn đề lớn để tăng trưởng tín dụng

20240220_105259-0-.jpg
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank)

Theo tôi, tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng đầu năm ngoài những lý do cầu yếu về tín dụng, thì còn có nguyên nhân nữa là chu kỳ mùa vụ hàng năm của ngành Ngân hàng nên không có gì bất thường. Thời điểm hiện nay, lãi suất tín dụng không phải vấn đề lớn để tăng trưởng tín dụng, mà chủ yếu là nhu cầu của nền kinh tế, khách hàng, người dân.

Về định hướng tín dụng, trong năm 2024, chúng tôi sẽ triển khai mạnh chương trình tài trợ liên kết chuỗi, ngoài chuỗi nông nghiệp còn chuỗi bên sản xuất, xuất khẩu, gắn liền với đối tác trực thuộc. HDBank chia sẻ với những đối tác đó để có những mô hình tài trợ phù hợp, kể cả chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng và đối tác đầu mối. HDBank đồng hành cùng đối tác trong triển khai tăng trưởng tín dụng theo chuỗi an toàn và là cơ hội kích cầu tín dụng.

Bên cạnh đó, HDBank cũng đẩy mạnh triển khai tài trợ nhà ở xã hội. Ngay trong tháng 1/2024, ngân hàng đã để ra gần 1.000 tỷ đồng tài trợ các dự án nhà ở xã hội. Mặc dù chưa tham gia chương trình nhà ở xã hội 12.000 tỷ đồng nhưng đây là định hướng tín dụng lớn của HDBank trong năm 2024. Với những kế hoạch đề ra, HDBank có khả năng giải ngân cho nhà ở xã hội từ 5.000-7.000 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, để dòng vốn này đạt hiệu quả cao, rất mong các cơ quan bộ, ngành, địa phương ưu tiên tháo gỡ pháp lý về đất đai cho dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, HDBank còn có đặc thù riêng là có công ty tài chính tiêu dùng (HD SAISON) đã tham gia triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 1/2024 đã giải ngân được 8.600 tỷ đồng. Đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, HDBank đã tiếp cận khoảng 60.000 công đoàn viên khu công nghiệp, khu chế xuất để thực hiện hỗ trợ tài chính tiêu dùng. Liên quan đến mảng này, kiến nghị Vụ Truyền thông của NHNN hỗ trợ trong việc truyền thông trên những kênh truyền thông chính thống, để các công đoàn viên, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất biết được các địa chỉ cho vay tiêu dùng tin cậy, qua đó tránh sa vào tín dụng đen.

SeABank hướng đến cho vay các dự án xanh trong năm 2024

z5175979312240_1971386cbbee516aeeeaf84eda558b48.jpg
Ông Lê Quốc Long, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)

Theo tinh thần chỉ đạo chung của NHNN và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua, tăng trưởng tín dụng tại SeABank trong quý IV/2023 và quý I/2024 đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Trong công tác tín dụng, ngân hàng đã triển khai một số hoạt động theo định hướng của Chính phủ và NHNN về việc khuyến khích cho vay, trong đó có các hoạt động cung cấp, phân bổ vốn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xanh.

Vừa qua, ngân hàng đã nhận được nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC)... Các dòng vốn này hướng đến cho vay xanh liên quan đến ESG, năng lượng sạch... Đây là một trong những hoạt động tín dụng mà ngân hàng đang tập trung triển khai vào những tháng đầu năm 2024.

Liên quan đến Thông tư 02, SeABank cũng kiến nghị kéo giãn thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm, thực thi từ tháng 6/2024.

Về niêm yết lãi suất, ngân hàng cũng đồng tình với các ngân hàng khác. Đây cũng là một cái khó đối với các ngân hàng bởi liên quan đến việc “may đo” cho từng doanh nghiệp khác nhau, từng chính sách khác nhau và mức độ rủi ro khác nhau. Vì vậy, đây là một trong những vấn đề cần được xem xét để có thể phối hợp hài hòa giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Dẫu vậy, chúng tôi cũng cam kết thực hiện, tuân thủ theo đúng chính sách, quy định của NHNN.

P.V