Các Hiệp hội ngành, nghề

Sau xoài hạt lép, gấc và chuối lần đầu tiên xuất sang Hàn Quốc mở ra nhiều triển vọng cho ngành rau quả

Nguyễn Huyền 23/02/2024 17:27

Lô gấc đông lạnh xuất khẩu có khối lượng hơn 4 tấn, trị giá gần 10.000 USD của nông dân tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trước đó, vào ngày 19/2, An Giang tổ chức Lễ công bố xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép và tiếp đến là chuối của Đắk Lắk cũng lần đầu tiên xuất sang Hàn Quốc, mở ra triển vọng cho 3 loại trái cây độc đáo của Việt Nam.

cay-gac.jpg
Cây gấc - Ảnh minh họa

Gấc, xoài và chuối cùng nhau chinh phục thị trường Hàn Quốc

Trái gấc không chỉ là loại quả được người tiêu dùng sử dụng làm thực phẩm mà còn là nguồn nguyên liệu để sản xuất các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc sản phẩm gấc Việt Nam buộc phải trải nhiều khâu kiểm tra về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước sở tại cũng như các cơ quan chuyên môn tại Việt Nam.

Ông Lê Vương Quốc, Phó giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam cho biết, xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc có 2 điều lợi, thứ nhất về điều kiện địa lý đây là thị trường gần với Việt Nam nên thời gian vận chuyển nhanh. Thứ hai là nhu cầu tiêu thụ và tiềm năng sử dụng gấc rất đa dạng, có thể sử dụng trong thực phẩm hoặc sản xuất dược phẩm.

“Trước đây chúng tôi cũng đã xuất khẩu gấc sang thị trường Nhật Bản hoặc một số nước châu Âu khác, ngoài sử dụng trong thực phẩm cho cộng đồng người Việt hải ngoại hoặc cho cộng đồng quốc tế thì gấc còn dùng sản xuất dược phẩm rất tốt, vì vậy sản phẩm này được đánh giá rất có tiềm năng cho toàn thế giới”, ông Quốc nói.

Đến nay, tính cả thị trường Hàn Quốc, các sản phẩm từ quả gấc của Việt Nam đã chinh phục hơn 10 quốc gia, trong đó có cả những thị trường đặc biệt khó tính như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Sản lượng gấc Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ ước đạt bình quân 500-1.000 tấn/năm, Nhật Bản khoảng 4,2 triệu tấn/năm, Thái Lan khoảng 1 triệu tấn/năm và vào châu Âu khoảng 2 triệu tấn/năm.

Trước đó, vào ngày 19/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phối hợp với UBND huyện Chợ Mới tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc và liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị.

Cụ thể, container chở 13 tấn xoài hạt lép trồng ở Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đây là lô xoài hạt lép đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường này, mở ra triển vọng cho giống trái cây độc đáo của miền Tây.

Hiện huyện Chợ Mới có hơn 6.400 ha xoài, chiếm 50% diện tích tỉnh An Giang. Riêng diện tích xoài theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện Chợ Mới đạt trên 704 ha, với 41 mã vùng trồng. Xoài hạt lép thuộc giống xoài tượng da xanh, có trọng lượng trung bình khoảng 0,3kg, bằng một nửa so với trái bình thường. Xoài hạt lép có vị đặc biệt thơm ngon hơn loại trái to. Loại xoài này càng chín càng thơm ngon, lại dễ bảo quản, mở ra tiềm năng lớn để xuất khẩu.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk cũng đã được đón tin vui khi đã xuất khẩu chính ngạch lô chuối đầu tiên trong năm Giáp Thìn 2024 sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 2.000 ha chuối trong đó đã xây dựng được 7 mã vùng trồng với diện tích 540 ha chuối cấy mô, được xuất khẩu chính ngạch chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực châu Á.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, chuối là một trong những mặt hàng nông sản rất phù hợp với tỉnh, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã liên kết hợp tác và đầu tư sản xuất chuối tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung và đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác rất hiệu quả.

“Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xem xét các khu vực phù hợp để đầu tư tạo ra các vùng sản xuất tập trung từ đó phát huy hiệu quả ngành hàng chuối”, ông Dương nói.

Xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan trong tháng đầu năm

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc liên tục tăng khoảng 10 -15%, đặc biệt, trong năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt hơn 225,806 triệu USD, tăng 24,91% so với năm 2022. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường Hàn Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam ở khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2024 ước đạt 491 triệu USD, tăng 20,1% so với tháng 12/2023 và tăng 103,9% so với tháng 01/2023. Tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan, kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng rau quả trong năm 2024. Riêng thị trường Hàn Quốc kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2024 đạt 21,775 USD, tăng 2,16 lần so với tháng 1/2023.

Trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả. Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 là nhu cầu tại thị trường xuất khẩu số 1 Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, mặt khác, Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các loại rau quả sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc…

Nguyễn Huyền