Hoạt động ngân hàng

Sóc Trăng: Ngành Ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số

ThS.Trần Trọng Triết 26/02/2024 - 08:53

Với những tiện ích mà chuyển đổi số mà các ngân hàng mang lại đã góp phần lan tỏa đến nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thông qua việc sử dụng ngày càng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng. Kết quả này, không chỉ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà còn thúc đẩy và giúp tỉnh dần hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

st010422.jpg
Sóc Trăng: Ngành Ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số

Thống kê cho thấy, đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát hành trên 657 nghìn thẻ ATM, đầu tư trên 133 máy ATM, lắp đặt 576 máy POS tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh, mua sắm. Riêng trong năm 2023, có khoảng 190 nghìn giao dịch qua máy POS, với tổng giá trị giao dịch gần 570 tỷ đồng.

Ngoài các phương thức thanh toán qua thẻ, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai phương thức thanh toán thông qua Internet Banking và Mobile Banking, trong đó ứng dụng Mobile Banking của nhiều ngân hàng thương mại ngày càng phổ biến và được khách hàng tin dùng bởi có thể sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích như: mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch, thanh toán tiền điện, nước… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại thông minh mà không cần đến quầy giao dịch.

Với những tiện ích mà chuyển đổi số mà các ngân hàng thương mại trên địa bàn mang lại đã góp phần lan tỏa đến nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thông qua việc sử dụng ngày càng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng.

Kết quả hiện nay toàn tỉnh có 1.482 đơn vị trả lương qua tài khoản ngân hàng, trong đó số đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.147 đơn vị, chiếm 77,40%. Thanh toán chi trả tiền qua dịch vụ ngân hàng năm 2023 tăng so với năm 2022, như: thu tiền điện đạt giá trị 1.465 tỷ đồng, tăng 15,86%; thu tiền nước đạt giá trị 30 tỷ đồng; thu tiền học phí đạt giá trị 8 tỷ đồng, tăng 29,37%; thu hoạt động bưu chính, viễn thông đạt giá trị trên 20 tỷ đồng, tăng 1.472,54%; chi trợ cấp an sinh xã hội đạt giá trị 390 tỷ đồng, tăng 536,93%; thu các khoản phí, lệ phí đạt giá trị 340 tỷ đồng tăng 2,9%… Kết quả này, không chỉ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà còn thúc đẩy và giúp tỉnh dần hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Đáng chú ý, với lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng có 19 chi nhánh và phòng giao dịch phủ khắp các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; có 36 ATM và CDM (Ngân hàng tự động Autobank), trong đó 21 ATM đặt tại khu vực nông thôn; mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ phủ khắp trong tỉnh với gần 55 POS và 44 ĐVCNTT; tại thị xã Vĩnh Châu, ngoài điểm giao dịch tại chi nhánh thị xã Vĩnh Châu còn 1 điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng.

Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QRViet đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.

Đến nay, Agribank Sóc Trăng đã phát hành trên 30.000 thẻ ATM cho khách hàng; số tiền giao dịch trên ATM bình quân hàng tháng đạt trên 400 tỷ đồng, với hơn 135.000 giao dịch. Đặc biệt, Agribank Sóc Trăng đã đưa vào hoạt động 5 máy CDM, trong đó 2 CDM đặt tại TP. Sóc Trăng, 1 tại thị xã Vĩnh Châu, 1 tại thị trấn Long Phú và 1 đặt tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung. Với nhiều tính năng của máy ATM đa chức năng, CDM đã phát huy tốt hiệu quả giúp khách hàng tiết kiệm thời gian khi thực hiện các giao dịch và các giao dịch được thực hiện bất cứ thời gian nào trong ngày.

Nhờ ứng dụng công nghệ số, các sản phẩm dịch vụ của Agribank ngày càng cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điển hình như dịch vụ thẻ của Agribank Sóc Trăng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, phát triển ổn định cả về quy mô, số lượng lẫn chất lượng dịch vụ.

Không chỉ Agribank, nhiều ngân hàng khác trên địa bàn cũng tích cực chuyển đổi số hoạt động, ví như tại MB. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đến nay, MB chi nhánh Sóc Trăng đã triển khai nhiều tiện ích số theo xu hướng hiện đại, như: tạo tài khoản số đẹp, in thẻ lấy ngày, tạo mã thanh toán QR riêng, hay ứng dụng công nghệ tích hợp, ngày càng đáp ứng nhu cầu của xã hội và khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều dịch vụ tiện ích, như: không thu phí mở tài khoản, giảm phí chuyển tiền ngoài hệ thống, phối hợp với các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử. Phương thức thanh toán mới này mang lại lợi ích tích cực cho khách hàng, bởi tính an toàn, tiết kiệm thời gian và chủ động thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Nhằm phát huy những kế quả đã đạt được, cũng như khuyến khích các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo, các mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Trung ương, UBND tỉnh Sóc Trăng để chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả; phát triển mạng lưới thanh toán, phát triển các tiện ích, dịch vụ ngân hàng gắn liền với việc đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán của người dân…

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp khách hàng hiểu rõ họ chính là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, để cùng cộng đồng trách nhiệm, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng và của tỉnh Sóc Trăng được thành công.

ThS.Trần Trọng Triết