Tâm điểm chứng khoán: Dư âm Tết đã qua, mùa đại hội cổ đông đang đến
Chuyên gia cho rằng, thị trường điều chỉnh sau giai đoạn tăng liên tục là diễn biến bình thường, dòng tiền sẽ trở lại, phân hóa vào các nhóm ngành đã chiết khấu giá, tiềm năng tăng trưởng tốt.
Đà tăng điểm liên tiếp trên thị trường chứng khoán được thiết lập trước và sau Tết đã chững lại trong tuần qua. Nguyên nhân giảm điểm ở những phiên cuối tuần được cho là đến từ hoạt động chốt lời, trong bối cảnh thị trường xuất hiện các tin đồn đoán.
Trước thềm tuần giao dịch mới, các thông tin không còn là đồn đoán nữa. Vậy liệu các tin tức này có tác động tới tâm lý giới đầu tư, với việc điều chỉnh đáng kể có đủ hấp dẫn nhà đầu tư xuống tiền gom mua cổ phiếu? Chúng tôi ghi nhận ý kiến các chuyên gia chứng khoán:
Dòng tiền sẽ trở lại
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam
Tính chung cả tuần qua, dù VN-Index giảm 3/5 phiên nhưng vẫn có tuần tăng điểm. Tuần qua thị trường đã xảy ra hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, tăng điểm chủ yếu do nhóm ngân hàng và "họ Vingroup" tăng giá, đa số cổ phiếu trên sàn đều giảm.
Phiên cuối tuần qua có thể nói là phiên trả hàng, giảm điểm tương đối mạnh, diễn ra trên diện rộng, trong bối cảnh không có thông tin quá đặc biệt. Việc giảm giá đến từ hoạt động chốt lời, cộng với thông tin đồn đoán việc khởi tố các lãnh đạo ngành chứng khoán liên quan vụ án FLC.
Qua tuần mới, tôi cho rằng dòng tiền trở lại khi mặt bằng giá đã tốt hơn trước. Dư âm sau Tết đã qua, nhà đầu tư hứng khởi bắt đầu chu kỳ đầu tư mới. Những thông tin chính thức liên quan vụ án ngành chứng khoán, không có gì mới, không tác động lớn tới thị trường.
Thị trường sẽ theo hướng zic zắc, tăng điểm tốt, giá tăng ở nhiều mã ngành, không riêng ngân hàng hay "họ Vingroup". Sau giai đoạn tăng tốt, nhóm cổ phiếu ngân hàng và họ Vingroup sẽ chững lại. Giá các cổ phiếu này đã vào vùng quá mua khiến nhà đầu tư e ngại vì giá lên cao đẩy rủi ro cao, trong khi đó nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu sẽ có tâm lý chốt lời. Cung tăng, cầu giảm sẽ khiến giá cổ phiếu gặp áp lực giảm.
Các ngành dự báo thu hút dòng tiền gồm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, vật liệu xây dựng.
Kế đến là bất động sản khu công nghiệp với việc đón nhận làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn bắt đầu thuê địa điểm mở nhà xưởng.
Thứ ba là ngành bất động sản dân dụng. Hiện nay, thị trường bất động sản đã qua thời gian khó khăn, nhiều thông tin cho thấy thị trường này bắt đầu rục rịch trở lại, doanh nghiệp phục hồi dần. Giá cổ phiếu ngành này đã chiết khấu mạnh, là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào những cổ phiếu thương hiệu tốt ở vùng giá hấp dẫn.
Thứ tư là cổ phiếu ngành chứng khoán với câu chuyện thanh khoản thị trường tăng trở lại, các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn. Khi thị trường sôi động, CTCK gia tăng thị phần môi giới, tăng vốn nhằm tăng dịch vụ cung cấp margin sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.
Ngoài ra còn có nhóm ngành dầu khí, khi tình hình Trung Đông còn căng thẳng, có dấu hiệu lan rộng, giá dầu có hướng tăng hơn là giảm.
Tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ tìm tới cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, có dự án tiềm năng, cơ hội phát triển trong năm 2024 thông qua thông tin được công bố ở mùa ĐHĐCĐ.
Nhà đầu tư không cần thiết quá hoảng loạn
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank
Tuần rồi, thị trường có 2 phiên tăng điểm tốt, 3 phiên giảm điểm, đặc biệt phiên cuối tuần giảm khá mạnh, tính chung cả tuần, chỉ số chỉ tăng nhẹ.
Chúng ta nên đặt thị trường tuần qua trong bối cảnh trước và sau Tết có chuỗi tăng giá gần như liên tục, áp lực chốt lời trong ngắn hạn khó tránh khỏi. Khi thị trường tăng giá, độ rộng thị trường không lan tỏa mà chỉ tập trung ở một số nhóm, là tín hiệu cho thấy thị trường chịu rủi ro nhất định, nên giảm là diễn biến bình thường.
Việc xuất hiện các thông tin liên quan đến vụ án FLC không là thông tin quá mới nhưng thị trường ở trạng thái “căng” về ngắn hạn thì thông tin này được nhắc đến đã trở thành lý do để nhà đầu tư dè dặt. Tôi cho rằng, các tin này không tác động mạnh để thị trường trở nên tiêu cực, không thay đổi định hướng của Chính phủ tới việc thị trường hướng tới nâng hạng, tới những thay đổi cho TTCK.
Tôi cho rằng, trong trung hạn thị trường vẫn có hướng tăng. Nhà đầu tư không cần thiết quá hoảng loạn, không cần giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu, vẫn nên duy trì ở mức trên trung bình. Tuy nhiên, việc mở vị thế mua mới nên tiết chế, cần quan sát thị trường, việc mua vào nên thực hiện ở trạng thái thị trường điều chỉnh để tối ưu hóa lợi nhuận.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, quan sát cho thấy, dòng tiền vào nhóm này vẫn ở mức tốt. Nhóm ngân hàng vẫn là nhóm có sức hấp thụ tốt trong bối cảnh đầu tư trong nước đang có mối quan tâm lớn tới TTCK thông qua giá trị giao dịch, các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, ngân hàng vẫn là bến đỗ, xét về định giá vẫn an toàn hơn phần lớn nhóm ngành khác. Dù vậy không thể kỳ vọng nhóm này tăng mạnh tiếp như thời gian qua. Sắp tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa nhất định, đây là lúc cổ phiếu ngân hàng nào có câu chuyện sẽ vẫn đón nhận dòng tiền.
Với nhóm Vingroup khó đánh giá hơn và thận trọng hơn, áp lực đáo hạn trái phiếu đáng kể vào giai đoạn tháng 4 tới trở đi. Sau giai đoạn tăng, nhóm này có phần chững lại.
Dòng tiền sắp tới sẽ có sự luân chuyển. Tôi nghiêng nhiều tới nhóm liên quan hoạt động xuất khẩu. Bức tranh nhóm này tích cực với doanh nghiệp dệt may, thủy sản, sau một năm nhiều khó khăn với các doanh nghiệp này. Số liệu trong quý I và II tới đây sẽ có sự cải thiện về số liệu đơn hàng xuất nhập khẩu.