Cổ phiếu HPG bứt phá, VN-Index đóng cửa cao nhất 5 tháng
Thị trường đã chứng minh được sức mạnh của xu hướng với phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp của VN-Index. Mức điểm số đóng cửa được ghi nhận cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Định vị thị trường
Một xu hướng mạnh của chứng khoán được duy trì từ Mỹ cho tới khu vực châu Á. Chỉ số mạnh nhất khu vực là NIKKEI 225 (+0,01%) đang không có một rào cản tâm lý nào sau khi đã liên tục phá kỷ lục điểm số. Tương tự là chỉ số TWSE (+0,31%) của Đài Loan.
Còn KOSPI (-0,83%) của Hàn Quốc ghi nhận sự rung lắc nhẹ sau khi chạm vào vùng đỉnh 2 năm. Đây cũng là diễn biến đã xảy ra với VN-Index trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước (23/2) nhưng chỉ trong vòng 2 phiên, thị trường Việt Nam đã nhanh chóng gỡ lại hết điểm số đã "đánh rơi" để vươn lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Chất xúc tác
Sau phiên ngày thứ Sáu, thanh khoản của HOSE đã có sự co lại nhưng vẫn ở trên mức bình quân 20 phiên trong phiên 26/2. Sang đến hôm nay 27/2, khớp lệnh của sàn tiếp tục cải thiện với việc tăng tiếp gần 10%. Điều này cho thấy nỗ lực của dòng tiền đang quay trở lại.
Trong các đợt giảm sâu gần đây của thị trường, chuyển động sau các phiên rơi đột biến thường không có sự hồi phục tích cực của dòng tiền. Vì vậy, có thể kỳ vọng phiên cuối tuần trước chỉ mang tính chất rung lắc sau một nhịp tăng khá dài được ngân hàng dẫn dắt.
Về cơ cấu giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đóng góp 11,5% giao dịch 2 chiều, cho thấy sự tăng cường giao dịch so với các phiên trước. Tuy nhiên, sự phân bổ của dòng tiền có phần khá lệch khi HPG (+452 tỷ đồng), SSI (+131 tỷ đồng), DGC (+88 tỷ đồng) được mua vào khá mạnh trong khi nhiều mã như STB (-87 tỷ đồng), VPB (-73 tỷ đồng), MSN (-43,67 tỷ đồng), VNM (-53 tỷ đồng) bị bán dàn trải.
Vận động thị trường
Giá trị mua ròng của khối ngoại đột biến trong vòng 2 năm trở lại đây đã hỗ trợ giúp cho cổ phiếu HPG tăng bứt phá (+5,38%) khỏi vùng kháng cự 28.000 đồng/cổ phiếu. Kể từ tháng 7/2023, HPG vẫn luôn tỏ ra rất chật vật khi mỗi lần chạm tới vùng giá này.
Bên cạnh tiền ngoại, nhà đầu tư nội vẫn đóng góp chủ đạo vào tổng giá trị giao dịch hơn 2.600 tỷ đồng của HPG. Theo thống kê, mức khớp lệnh của riêng HPG cũng là cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Có thêm HPG, thị trường có thêm sự xác nhận của dòng tiền lớn sau khi Ngân hàng hay nhóm Vingroup đã lần lượt xuất hiện tạo ra lực đẩy vượt qua vùng 1.200 điểm. Tâm lý nhà đầu tư không còn bị trói buộc do hậu quả của phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Số mã tăng trong rổ VN30 đã đạt 21/30. Ngoài HPG, còn có thêm SSI (+2,3%), VHM (+2%), GAS (+1,8%), TCB (+1,8%), VCB (+1,8%), POW (+1,7%), VRE (+1,5%), CTG (+1,4%) cũng tỏ rõ sự đồng thuận.
Nhóm cổ phiếu Midcap và Penny đã chịu nhiều tổn thất trong phiên thứ Sáu cũng ghi nhận các mã hồi phục tốt như SZC (+4,9%), ANV (+3,92%), LCG (+2,3%), DXG (+2%).
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm để dòng tiền lan tỏa mạnh sang nhóm Midcap và Penny bởi VN30 vẫn chiếm tới 49% tổng giao dịch của HOSE.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,09% lên 1.237,46 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 23.058 tỷ đồng, tương đương 986,85 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index biến động trái chiều nhau, lần lượt tăng 1,08% và giảm 0,1%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn này đạt hơn 2.700 tỷ đồng.