Chứng khoán

VCB phá kỷ lục giá, VN-Index vượt đỉnh của năm 2023

Mai Hương 28/02/2024 16:32

Dòng tiền lớn tập trung vào các cổ phiếu lớn, đặc biệt là các mã Ngân hàng đã thúc đẩy chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự 1.250 điểm, cũng là vùng đỉnh của năm 2023.

screenshot-2024-02-28-155936.png

Định vị thị trường

Nhịp rung lắc mạnh của phiên thứ Sáu tuần trước dường như đã dọn đường cho chỉ số VN-Index có được sức bật mạnh mẽ hơn. Chuỗi 3 phiên tăng điểm với biên độ đều trên 1% đã đưa chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh ở 1.250 điểm, cũng là vùng đỉnh của năm 2023.

VN-Index cùng với KOSPI (+1,04%) của Hàn Quốc là một trong số ít những chỉ số ghi nhận sắc xanh trong khu vực. Các thị trường mạnh như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều giảm nhẹ với NIKKEI 225 (-0,08%), TWSE (-0,49%). Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có phiên điều chỉnh khá mạnh "va" vào đường xu hướng dài hạn: SHCMP (-1,91%), HSI (-1,51%).

Chất xúc tác

Thống kê từ Refinitiv Eikon tiếp tục ghi nhận sự hạ nhiệt nhanh chóng từ lãi suất liên ngân hàng. Kỳ hạn qua đêm hiện đã giảm 1,07% xuống 2,33%, cho thấy thanh khoản hệ thống đang nhanh chóng hạ nhiệt thay vì có dấu hiệu bất ổn trên thị trường 2.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm cũng không có dấu hiệu nóng khi vẫn chỉ dao động quanh ngưỡng 24.000 VND/USD. Trong giai đoạn cuối năm 2023, trong những thời điểm đồng USD tăng giá, tỷ giá trung tâm cũng chỉ dao động quanh ngưỡng này.

Quan trọng nhất là dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn duy trì sự sôi động với phiên thứ 10 liên tiếp, HOSE khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên. Nhà đầu tư ngoại cũng giải ngân khá tích cực với giá trị mua ròng đạt hơn 220 tỷ đồng với các mã được giải ngân nhiều nhất là HPG (+129 tỷ đồng), SSI (+55 tỷ đồng), TPB (+43 tỷ đồng), PVD (+39 tỷ đồng), VPB (+38 tỷ đồng).

3ex-2024-02-28.png
Đóng góp của 2 chiều của khối ngoại đã quay trở lại dưới 10%.

Vận động thị trường

Thông tin đáng chú ý nhất trong sáng nay là Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sự kiện thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển thị trường và đưa ra những lộ trình phát triển rõ ràng trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý với hàng loạt mã được kéo tăng mạnh như VCB (+6,9%), VRE (+5,3%), TPB (+4,4%), VPB (+2,8%), BID (+1,7%), SAB (+2,5%), HDB (+2,2%), STB (+2,1%). Tổng cộng có 25/30 mã tăng giá trong VN30 và giá trị giao dịch của rổ này chiếm gần 45% tổng giao dịch toàn thị trường.

vcb.png
Diễn biến giá cổ phiếu VCB.

VCB đóng vai trò đầu tàu của cả nhóm Ngân hàng lẫn toàn thị trường khi tăng kịch trần và đồng thời đóng cửa phá kỷ lục. Thông tin hỗ trợ riêng cho VCB còn đến từ việc sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu của Vietcombank với tỷ lệ 38,79%/vốn điều lệ.

Với sự dẫn dắt luân phiên của Ngân hàng, HPG và nhóm Vingroup, VN-Index đã thực hiện chuỗi 3 phiên tăng đều trên 1%, đồng thời vượt qua vùng đỉnh của năm 2023. Chỉ số đóng cửa tăng 17,09 điểm lên 1.254,55 điểm (+1,38%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 22.689 tỷ đồng.

Tương tự phiên hôm qua, dòng tiền vẫn chưa thể hoàn toàn lan tỏa tới nhóm Midcap và Penny. Nhiều mã dù tăng giá nhưng chỉ có biên độ dưới 2% như DCM (+1,19%), HSG (+0,22%), NKG (+0,21%), KBC (+0,48%), VHC (+0,99%), HCM (+0,71%), GMD (+1,2%), VSC (+1,11%), FRT (+0,2%)…

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ là PVD (+6,94%) với trạng thái tăng kịch trần bởi cổ phiếu này nhận được các thông tin mới trước thềm ĐHĐCĐ thường niên. PVD đang xem xét bổ sung thêm 2 giàn khoan vào đội giàn khoan hiện tại với mức đầu tư tối đa 90 triệu USD/giàn trong khi đó toàn bộ 6 giàn khoan hiện có của công ty đều được cho thuê đến hết năm 2025 và hiện đang tập trung tìm kiếm các đơn hàng cho năm 2026.

Với HNX-Index và UPCoM, vẫn có sự trái chiều về chuyển động, lần lượt giảm 0,09% và tăng 0,16%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.

Mai Hương