Nhiều ngân hàng ASEAN sẽ gặp khó với mảng tín dụng khi FED hạ lãi suất
Khi FED hạ lãi suất, các nước tại ASEAN và sau đó đến các ngân hàng ASEAN nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh theo, chính vì vậy họ sẽ không kiếm được lợi nhuận từ tín dụng nhiều như trước đây.
Các ngân hàng trong 10 nước ASEAN nhiều khả năng đang có quý thu lợi tốt nhất từ mảng tín dụng cuối cùng trong nhiều năm trở lại đây khi mà kỷ nguyên lãi suất cao do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khởi xướng chuẩn bị chấm dứt, theo nội dung bài báo được Nikkei đăng tải.
FED đã phát đi thông điệp sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới khi nỗi lo lạm phát giảm bớt, chính vì vậy chi phí lãi vay sẽ ngày một giảm đi. Đối với những ngân hàng lớn nhất ASEAN, phần lớn có trụ sở tại Singapore, tăng trưởng từ thu nhập tín dụng sẽ chững lại trong những tháng tới.
“Rõ ràng, môi trường sẽ thay đổi. Các ngân hàng sẽ điều hướng trọng tâm của họ sang việc đảm bảo tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất có nhiều biến động”, chuyên gia tư vấn tài sản tại công ty KC Consutling – ông Kavan Choksi phân tích.
Ba tổ chức tài chính lớn nhất Singapore bao gồm DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea-Chinese Banking Corp trong các kế hoạch tín dụng mới đây đều đề cập đến sự thay đổi lãi suất đồng USD của FED. Xuất hiện ngày một nhiều nhận định khả năng lợi nhuận từ lãi suất tín dụng có thể đã lập đỉnh.
Vào ngày thứ Tư (28/2), ngân hàng OCBC công bố tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM), chênh lệch giữa mức lãi vay mà các ngân hàng áp với các khoản vay tín dụng và lãi suất tiền gửi khách hàng, sẽ dao động trong ngưỡng khoảng từ 2,2 - 2,25% trong năm 2024, thấp hơn mức 2,29% trong quý IV/2023.
Quý IV/2023, OCBC công bố lãi ròng 1,6 tỷ đôla Singapore, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD, tăng đến 12% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên với triển vọng năm 2024, OCBC dự báo tăng trưởng khoản vay chỉ ở mức một chữ số.
“Chúng tôi cho rằng, năm 2024 sẽ là một năm khó khăn hơn so với năm 2023. Liệu có yếu tố tích cực nào không? Điều đó tùy thuộc vào việc môi trường lãi suất sẽ diễn biến như thế nào trong khoảng thời gian còn lại của năm”, CEO của ngân hàng HSBC – bà Helen Wong nhấn mạnh trong cuộc họp báo vào ngày thứ Tư.
Ngân hàng UOB cũng không ngoại lệ. Trong tuần trước, ngân hàng UOB công bố NIM của ngân hàng này duy trì ở mức 2,02% trong quý IV/2023, mức thấp nhất so với các quý của năm 2023. Ở thời điểm quý I/2023, NIM đứng ở mức 2,14%, kết quả kinh doanh của ngân hàng này dự báo giảm đi đều đặn trong những quý tới.
DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tính theo tổng tài sản, vào đầu tháng này công bố NIM trong quý IV/2023 duy trì ở mức 2,13%, cao hơn một chút so với mức 2,12% trong quý I/2023, thấp thứ hai trong các quý của năm ngoái. Quý III/2023 là quý kinh doanh tốt nhất của DBS, khi đó NIM ở mức 2,19%.
CEO ngân hàng DBS, ông Piyush Gupta, cho biết: “Chúng tôi đã cẩn trọng trong quyết định áp dụng lãi suất cố định với một số loại tài sản”.
Báo cáo từ bộ phận nghiên cứu về mảng dịch vụ tài chính của Jefferies công bố vào tháng này cho thấy, bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu xấu đi tiềm ẩn rủi ro với DBS, chính vì vậy triển vọng lợi nhuận của DBS có thể đương đầu với không ít thách thức trong thời gian tới.
Tuy nhiên khi mà FED vẫn còn tương đối thận trọng với các quyết định hạ lãi suất, vẫn còn thời gian để các ngân hàng tranh thủ kiếm lợi nhuận.
Theo một báo cáo công bố vào tháng này, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng HSBC nhấn mạnh thời điểm điều chỉnh lãi suất chính sách trong tương lai sẽ tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát trong những tháng tới.