Bulog mở thầu 300 ngàn tấn gạo không mời Việt Nam, thương nhân Philippines tăng mua gạo Thái Lan và giảm mua gạo Việt Nam
Bulog (Indonesia) thông báo mời thầu để mua thêm 300 ngàn tấn gạo 5% tấm hôm 26/2. Cuộc họp mở thầu trực tuyến được tổ chức lúc 2 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 27/2. Thời gian giao hàng trong tháng 4/2024. Nguồn gốc cung cấp gạo đến từ Thái Lan, Pakistan và Myanmar. Thái Lan đã thắng áp đảo gói thầu này. Mặt khác, thương nhân Philippines cũng đang giảm mua gạo Việt Nam nhưng tăng mua gạo Thái Lan.
Hai thông tin quan trọng đến từ 2 thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Philippines và Indonesia sẽ có tác động gì lên thị trường lúa gạo nội địa?
"Bulog mở thầu không có Việt Nam tham gia, thiệt thòi sẽ về phần họ"
Về việc Bulog mở thầu 300.000 tấn gạo vừa rồi mà không mời Việt Nam tham gia, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành 4 cho rằng, có thể Việt Nam đã tham gia thầu 500.000 tấn gạo trước đó và trúng thầu với số lượng lớn, hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang giao hàng cho đến hết tháng 3 nên thầu này họ không mời.
“Bulog mở thầu không có Việt Nam chưa chắc Việt Nam bị thiệt mà phần thiệt thòi sẽ rơi về phía họ, vì các nước tham gia như Thái Lan, Myanmar và Pakistan biết không có Việt Nam họ sẽ bỏ giá cao vì thiếu đi một đối tượng cạnh tranh lớn. Đối với những hợp đồng thương mại thương nhân Philippines vẫn mua gạo Việt Nam, nhưng do trong thời gian dài giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan nên họ chuyển qua mua gạo Thái nhiều cũng là chuyện bình thường, còn gần đây họ mua ít là để chờ giá gạo Việt Nam giảm sẽ quay trở lại tăng mua”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, giá gạo Việt Nam sau một chuỗi ngày sụt giảm mạnh nay đã dần ổn định trở lại và giá gạo đang có xu hướng tăng lên, trong 4 ngày trở lại đây giá gạo đã tăng hơn 600 đồng/kg.
Cụ thể, giá lúa tươi ngoài đồng giống lúa IR50404 dao động từ 7.200-7.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8, OM18 từ 7.500-7.800 đồng/kg, lúa ST25 từ 11.000-12.000 đồng/kg.
Gạo lứt IR50404 trước đây giảm còn 10.600 đồng/kg, ngày 29/2 đã lên 11.300 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg, gạo lứt OM18, Đài thơm 8 trước đây giảm còn 11.800 đồng/kg, nay tăng lên 12.400 đồng/kg.
“Trước đây gạo Việt Nam có lúc cao hơn gạo Thái Lan đến 60-70 USD/tấn, nhưng bây giờ thấp hơn khoảng 10 USD/tấn, tương đương với 200 đồng/kg gạo, giá gạo tăng, giảm 200 đồng/ký là việc hết sức bình thường.
Giá gạo Việt thấp hơn gạo Thái sẽ thuận lợi để các doanh nghiệp chào mời khách hàng của họ, còn các thương nhân nước ngoài khi so sánh giá gạo Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, nếu thấy giá gạo Việt Nam cạnh tranh họ sẽ quay trở lại Việt Nam để mua trong thời gian tới”, ông Thành nhận định.
Khoảng một tuần qua giá lúa gạo gần như chạm đáy, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua tạm trữ, chế biến
Thương nhân nước ngoài có thể chậm quay lại Việt Nam mua gạo một chút, vì dự đoán giữa tháng 3 hoặc cuối tháng 3 đồng bằng sông Cửu Long mới thu hoạch chính vụ lúa Đông Xuân, nhưng năm nay khu vực này xuống giống đồng loạt sớm nên diện tích lúa thu hoạch vào giữa tháng 2 khá nhiều.
Xuống giống đồng loạt nên thu hoạch cùng lúc dẫn đến dư nguồn cung, khiến giá lúa gạo giảm nhanh như thời gian vừa qua, tuy nhiên, khi qua giai đoạn thu hoạch rộ dần về cuối vụ nguồn cung giảm thì giá lúa gạo sẽ tăng trở lại. Trong khoảng một tuần qua giá lúa gạo xuống thấp và coi như chạm đáy thì các doanh nghiệp bắt đầu tập trung đẩy mạnh thu mua tạm trữ và chế biến, họ sẽ tăng mua để đảm bảo đủ lượng hàng xuất khẩu trong vòng từ 5 đến 6 tháng.
“Tại Phước Thành 4, chúng tôi cũng đang tập trung mua vào nếu thấy được giá thì bán, không được giá thì tạm trữ, nếu vội vàng bán giá rẻ khi giá gạo lên dễ bị thiệt hại. Mặt khác, nếu bán gạo giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thị trường, vì mình bán rẻ thì người khác cũng bán rẻ theo rồi nhiều người cùng bán rẻ sẽ dẫn đến tình trạng dẫm đạp lên nhau. Do vậy, chúng tôi quyết định không bán gạo giá rẻ mà chỉ bán ở mức giá tương đối và tiếp tục mua tạm trữ chờ thị trường”, ông Thành chia sẻ.
Còn theo nhận định một doanh nghiệp ở miền Tây, Bulog mở thầu 300 ngàn tấn gạo không có Việt Nam là do đợt thầu 500.000 tấn gạo vừa rồi Việt Nam thắng áp đảo nên đợt này họ chủ yếu dành cho Thái Lan và Pakistan, tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Việt Nam giao hàng chưa được bao nhiêu. Năm 2023, Thái Lan là quốc gia bán gạo cho Indonesia nhiều nhất còn Việt Nam chỉ đứng hàng thứ hai.
Trong năm 2024, hạn ngạch nhập khẩu gạo chính thức của Indonesia là khoảng 3,6 triệu tấn gạo, hồi đầu năm 2024 họ mua thêm 500.000 tấn gạo và Việt Nam trúng thầu gần 400.000 tấn là hạn ngạch của năm 2023. Hạn nhập của năm 2024 họ vẫn chưa mua và sau gói thầu 300.000 tấn này Bulog sẽ còn tiếp tục mở thêm nhiều gói thầu khác nữa.
Indonesia không chỉ mua gạo thông qua các cuộc đấu thầu mà Chính phủ Indonesia cũng đàm phán mua gạo với phía Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng hai quốc gia này vẫn chưa trả lời yêu cầu mua gạo từ phía Indonesia.
Tránh tâm lý bầy đàn, ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo
Theo doanh nghiệp này, việc thương nhân Philippines chuyển sang mua gạo Thái Lan và nhu cầu mua gạo từ Việt Nam giảm có thể do trong suốt quý IV/2023 giá gạo Việt cao hơn nhiều so với giá Thái Lan. Chính vì thương nhân Philippines tăng mua nên lượng gạo Thái Lan xuất đi nước này trong 2 tháng đầu năm 2024 có khả năng sẽ bằng 2/3 lượng gạo nước này đã xuất trong cả năm 2023.
Song, xét về mặt dài hạn giá gạo trắng của Thái thường cao hơn giá gạo Việt khoảng 5-10 USD/tấn. Nếu khoảng cách nhiều hơn thì người mua sẽ tìm nguồn cung giá rẻ và tạo lập một mặt bằng giá như kể trên. Tuy nhiên, khi nhu cầu mua của Philippines giảm thì nhu cầu mua mới trong nội địa của các kho cũng sẽ giảm đúng lúc nguồn cung bắt đầu về, dẫn đến thị trường lao dốc và gây ra yếu tố tâm lý người mua chờ (từ thương nhân Philippines đến các kho gạo) trong khi người bán nóng lòng muốn bán - đẩy thị trường càng trượt thêm như nhiều ngày qua.
Trước khi lúa Đông Xuân rộ vụ, thị trường đã và đang trải qua những biến động hết sức khó lường làm ảnh hưởng đến giá lúa gạo trong nước, và đang diễn ra như suy đoán trên... Do vậy, việc tìm kiếm các thông tin từ nhiều góc độ sẽ giúp cho người kinh doanh đặt ra những câu hỏi về triển vọng thị trường tương lai, lường trước được những kịch bản xấu có thể xảy đến. Các nhà máy xay xát, nhà kho, nhà cung ứng cần có cái nhìn nhiều chiều nếu không rất dễ bị lung lay khi thấy giá lúa gạo trên thị trường liên tục giảm, trong khi Indonesia đang tăng mua vào.
“Có một thực tế, đa phần các chủ nhà máy xay xát, nhà kho và nhà cung ứng đi lên từ thương lái tầm nhìn về thị trường có thể hạn hẹp nên tâm lý dễ bị tác động, do vậy, rất cần trang bị kiến thức về thị trường nông sản trong đó có lúa gạo, sẽ giúp cho yếu tố hành vi trở nên hợp lý hơn, có như vậy họ sẽ không bị thao túng theo tâm lý bầy đàn”, doanh nghiệp này nói.