VN-Index nỗ lực xây nền trên 1.250 điểm, dòng tiền tìm đến Midcap
VN-Index chỉ có một phiên tăng nhẹ nhưng cho thấy sự quyết tâm giữ được vùng đỉnh năm 2023 vừa chinh phục. Dòng tiền của nhà đầu tư nội, lẫn nhà đầu nước ngoài đều tranh thủ tìm đến các cổ phiếu Midcap.
Định vị thị trường
Xu hướng mạnh của chứng khoán châu Á được duy trì và vẫn đang được xác nhận qua diễn biến tăng điểm của các thị trường. Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 1/3), chỉ số chứng khoán Nhật Bản (+1,9%) tiếp tục chinh phục các kỷ lục điểm số mới và còn có mức tăng mạnh nhất so với các chỉ số khác.
Các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc cũng cho thấy sự quyết tâm tăng theo xu hướng khu vực dù xuất phát là khá muộn. HSI (+0,48%), SZI (+1,12%), SHCMP (+0,4%) đều đóng cửa trong sắc xanh.
Trong khi đó, VN-Index đã tăng điểm trở lại sau 1 một phiên bị gián đoạn đà tăng do sự chững lại của các cổ phiếu Bluechips. Mức tăng của chỉ số thực tế cũng chưa phản ánh đúng diễn biến tâm lý khi dòng tiền lan tỏa khá tốt sang các cổ phiếu Midcap.
Chất xúc tác
Thống kê từ Refinitiv Eikon cho thấy, lãi suất liên ngân hàng vẫn hạ nhiệt ở các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng. Trong khi đó, kỳ hạn qua đêm được giữ lại tại 1,47%.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm vẫn được giữ nhịp sau khi có đợt làm ấm đầu năm. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.002 VND/USD.
Nhìn chung, bối cảnh vĩ mô vẫn thuận lợi cho nhà đầu tư chứng khoán có thể yên tâm giao dịch. Mức khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 12 liên tiếp đạt trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh giảm khoảng 12% do sự lan tỏa của dòng tiền lớn đã giảm bớt sự hiện diện tại các cổ phiếu VN30. Đóng góp của rổ VN30 trên tổng giao dịch của HOSE chỉ là hơn 38%.
Trong khi đó, xét về cơ cấu dòng tiền, khối ngoại duy trì sự tham gia với quy mô chiếm hơn 10% tổng giao dịch 2 chiều và có phiên mua ròng gần 190 tỷ đồng trên HOSE.
Các mã MWG (+138 tỷ đồng), SSI (+128 tỷ đồng), STB (+107 tỷ đồng) cùng được mua trên 100 tỷ đồng, trong khi FUEVFVND (-197 tỷ đồng), VNM (-135 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Ngoài các cổ phiếu lớn kể trên, nhà đầu tư nước ngoài cũng dành khá nhiều sự ưu tiên cho các cổ phiếu Midcap trên thị trường như GEX (+85 tỷ đồng), VIX (+127,51 tỷ đồng), VCI (+81,7 tỷ đồng), DGW (+54 tỷ đồng), LCG (+35,81 tỷ đồng), CTD (+27 tỷ đồng), BSI (+20,1 tỷ đồng), HDG (+13,63 tỷ đồng).
Dù không chiếm tỷ trọng áp đảo trong giao dịch nhưng hoạt động mua vào của tiền ngoại đã kích thích dòng tiền nội quan tâm hơn các cổ phiếu Midcap thay vì chỉ tăng rải rác như 2 phiên vừa qua. LCG, BSI, HDG đã đóng cửa tăng kịch trần trong khi DGW cũng tăng 6%, GEX tăng 4,04%, VIX tăng 3,28%, VIX tăng 3,28%.
Ngoài ra còn có một số cổ phiếu Midcap khác cũng ghi dấu ấn tích cực như GMD (+5,92%), KSB (+4,3%), IJC (+3,05%)… Chỉ số VNMID đại diện cho các cổ phiếu Midcap đã có kết quả giao dịch tốt hơn so với 2 chỉ số VN30 (+0,05%), VNSML (+0,84%).
Sự nổi lên của cổ phiếu Midcap cũng là điều rất cần thiết khi nhóm VN30 cần một quãng nghỉ ngơi và kiểm tra cung cầu sau khi đã có giai đoạn hơn 2 tháng dẫn dắt thị trường chung.
Các cổ phiếu trong VN30 giao dịch khá giằng co với 19 mã tăng và 7 mã giảm. Các cổ phiếu GVR (+1,9%), FPT (+1,7%), STB (+1,3%), VHM (+1,3%), BID (+0,9%) bị VPB (-1,3%), TCB (-0,7%), MBB (-0,6%) triệt tiêu ảnh hưởng, trong khi VCB (0%) có phiên thứ 2 neo ở vùng đỉnh mới.
VN-Index chốt phiên hôm nay tăng 5,55 điểm lên 1.258,28 điểm (0,44%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 23.731 tỷ đồng, tương đương 961,92 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa khả quan với mức tăng lần lượt 0,41% và 0,59%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.