Long An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
Song hành cùng với công tác giảm nghèo của địa phương, chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo thông qua vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Long An được thực hiện theo hướng tập trung, có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tốt, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 2.642 hộ thoát nghèo; tỉnh hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho trên 11.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo; cấp trên 126.000 thẻ bảo hiểm y tế; xây mới 746 căn nhà Đại đoàn kết….
Đặc biệt chính sách người có công và an sinh xã hội được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là trong dịp lễ, tết. Công tác bảo trợ xã hội, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội được thực hiện thường xuyên.
Đáng chú ý, công tác giảm nghèo được thực hiện theo hướng tập trung, có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tốt. Toàn tỉnh có 4.665 hộ nghèo, tỷ lệ 0,97%; có 10.820 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,24%. Trong năm 2023, tỉnh giảm số hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chí mới) là 15%, đạt chỉ tiêu nghị quyết,…Từ đó, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người của tỉnh Long An đạt 95-100 triệu đồng/người/năm.
Đạt được kết quả giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra là nhờ nguồn lực hỗ trợ vốn vay của NHCSXH Long An tạo sinh kế cho người dân giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, các chế độ bảo hiểm; triển khai thực hiện Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả các nội dung hợp tác của tỉnh với các đối tác nước ngoài. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của Nhân dân.
Theo báo cáo hoạt động của NHCSXH Long An, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 5.906 tỷ đồng, tăng 17,68% so với năm 2022. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.817 tỷ đồng, bằng 98,69% so cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh số thu nợ đạt hơn 960 tỷ đồng, bằng 91,68% so cùng kỳ năm 2022. Tổng dư nợ đạt hơn 5.804 tỷ đồng, tăng 17,66% so năm 2022, hoàn thành 99,98% kế hoạch dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 42.040 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần giúp hơn 2.048 hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo hoàn trả vốn vay; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 10.833 lao động; hỗ trợ 5.680 học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp tục đến trường; xây dựng và sửa chữa 17.825 công trình nước sạch,…
Ngoài ra, hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội được triển khai thực hiện tốt thông qua 188 Điểm giao dịch xã. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 5.690 tỷ đồng, với 122.746 hộ vay và 2.681 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, hoạt động tín dụng của NHCSXH trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, như: nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của một số đối tượng thụ hưởng của một số chương trình vay vốn; nguồn vốn tín dụng chính sách bình quân thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn quốc; tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Đề án của tỉnh còn chậm…
Để tháo gỡ khó khăn, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, năm 2024, NHCSXH Long An đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ, huy động vốn Trung ương giao; nguồn vốn ủy thác địa phương tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ tổng nợ quá hạn và nợ khoanh không quá 0,4%/tổng dư nợ, trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn mức bình quân chung toàn quốc với giải pháp xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình kiểm tra giám sát; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong quản lý, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình về tín dụng chính sách đến với mọi người dân; phối hợp chặt chẽ các địa phương rà soát đúng đối tượng cho vay; triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách;… Đối với các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp tiếp tục theo dõi, động viên các thành viên, hội viên sử dụng vốn đúng mục đích và đôn đốc trả lãi đúng hạn.
Năm 2024, nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các Dự án của Chương trình giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn năm 2024 tại tỉnh Long An là trên 65 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển là trên 7,3 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là trên 58 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn 65 tỷ đồng được phân bổ, Long An sẽ tập trung thực hiện các dự án: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình,…
Tuy nhiên, xét cho cùng, muốn phát triển đời sống người dân khấm khá, thì tín dụng thương mại phải là chủ đạo, tín dụng chính sách chỉ giải quyết khu vực an sinh thoát nghèo, sau khi thoát nghèo thì phải nâng tầm sinh kế cho người dân, mới là hướng đi bền vững.