Hoạt động ngân hàng

TP. Cần Thơ: Tín dụng đến cuối tháng 2/2024 giảm 1,56%

ThS.Trần Trọng Triết 08/03/2024 07:30

Dù đã tích cực đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế, tuy nhiên do yếu tố thời vụ nên 2 tháng đầu năm 2024 tín dụng trên địa bàn TP. Cần Thơ tăng chậm.

z5226299933038_93d925a95fd7542954b0c359ad99dbe5.jpg
TP.Cần Thơ: Tín dụng đến cuối tháng 2/2024 giảm 1,56%

Chia sẻ về kết quả tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ Trần Quốc Hà cho biết, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 tăng chậm so với cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 2 năm 2024 đạt khoảng 154.000 tỷ đồng, giảm 1,56% so với cuối năm 2023.

Đáng chú ý, trong tháng 2, lãi suất cho vay ổn định và giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lãi suất huy động ổn định. Xu hướng tín dụng sẽ tăng trở lại trong tháng 3, do các ngân hàng trên địa bàn thành phố đang tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Các ngân hàng trên địa bàn cũng đang tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; lũy kế đến cuối tháng 1/2024 là 1.536,5 tỷ đồng, với 458 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; dư nợ (gốc và/hoặc lãi suất) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.348,7 tỷ đồng, cho 347 khách hàng vay. Đa phần các doanh nghiệp hiện nay đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, luôn duy trì thường xuyên và ổn định.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cũng thường xuyên tham dự các cuộc họp, hội nghị do các sở, ngành của thành phố tổ chức nhằm nắm bắt và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhờ đó là công tác cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thông suốt. Từ nguồn lực vốn tín dụng ngân hàng đã trợ lực cho hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng.

Theo thống kế từ Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 370,276 triệu USD, tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, đạt 16,95% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 89,892 triệu USD, tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, đạt 16,77% so với kế hoạch năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng trên địa bàn bằng chính nguồn lực của mình đã nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo môi trường thuận lợi cho 170 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, trong đó: có 40 doanh nghiệp gạo, 67 doanh nghiệp thủy sản, 23 doanh nghiệp nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, 8 doanh nghiệp may mặc và 32 doanh nghiệp ngành hàng khác; 327 HTX hoạt động đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực được tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng các lĩnh vực ưu tiên.

Các chương trình tín dụng và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thế mạnh của địa phương như cho vay lúa gạo, thủy sản cũng đạt tăng trưởng tốt, như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 12,61%; cho vay xuất khẩu tăng 21,36%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 9,28%; cho vay thu mua lúa gạo tăng 14,36%; cho vay thủy sản tăng 7,19%; dư nợ cho vay chính sách tăng 16,05% so với năm 2022…

Bà Lê Thanh Trúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kim Hưng cho biết, nhu cầu quốc tế về hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng cao, đặc biệt là thị trường châu Âu. Trong quá trình phát triển đơn vị luôn đảm bảo giữ chuẩn BSCI (trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp).

Hợp tác xã luôn nỗ lực tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu để tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân. Bên cạnh đó, hợp tác xã tìm kiếm mở rộng nguồn lao động tại các tỉnh, thành lân cận để không chỉ đáp ứng đủ nguồn lực sản xuất hàng hóa mà còn giúp cho hợp tác xã đa dạng mẫu mã sản phẩm, tạo sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Hầu như mỗi tháng đơn vị đều có những khách hàng mới từ nhiều nước đến tham quan, tìm hiểu hợp tác… Từ những thuận lợi trên, đơn vị định hướng tăng trưởng năm 2024 khoảng 20-30%”, bà Lê Thị Thanh Trúc cho biết thêm.

Để góp phần cùng kinh tế thành phố phát triển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ Trần Quốc Hà cho biết, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục đồng hành tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng được dễ dàng thuận lợi có nguồn lực tài chính sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu… không ngừng phát triển.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025... lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì tổ chức hiệu quả, thực chất hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp; Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; mô hình “Cà phê doanh nhân”… để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Song song đó, thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; luôn đồng hành cùng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần vào sự phát triển của thành phố.

ThS.Trần Trọng Triết