Bác Hồ gặp bà Clara Zetkin - người đề xuất Ngày Quốc tế Phụ nữ
Trong những ngày dự Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (họp từ ngày 25 đến 30/12/1920), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ đồng chí Clara Zetkin, nữ chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, ủy viên Ban thường vụ Quốc tế Cộng sản, được Quốc tế Cộng sản cử đến dự Đại hội. Bà Clara Zetkin chính là người đề xuất Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Ông Giắc Đuyclô (Ủy viên Bộ Chính trịm Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) nhớ lại: “Anh Nguyễn là đại biểu Việt Nam duy nhất ở đại hội và anh đã lên án chủ nghĩa thực dân tại đại hội, nhắc mọi người quan tâm đến tình hình của nhân dân anh, của nhân dân Đông Dương đang bị thực dân Pháp thống trị. Ở đại hội ấy, những kẻ cơ hội chủ nghĩa cũng không thể ngăn anh nói đến việc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tại đại hội, anh đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Ở đại hội, anh Nguyễn đã gặp đồng chí Clara Zetkin, nữ chiến sĩ cách mạng lão thành Đức, Nghị sĩ Đức, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản, được cử làm đại diện Quốc tế Cộng sản đến dự Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp”.
Ông Werner Lamberz (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức) nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Người đã học được từ Đức đầu tiên là “Genosse” (đồng chí) do Clara Zetkin, một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào cộng sản Đức và quốc tế dạy cho, một từ mà những người cộng sản vẫn thường gọi và xưng hô với nhau”.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ với cách mạng Việt Nam. Để trả lời câu hỏi vì sao lập ra Phụ nữ Quốc tế, Người viết: “Ông Các Mác nói rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?”. Ông Lênin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”… Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia... Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước. Vì vậy Đệ tam quốc tế tổ chức Phụ nữ Quốc tế”.
Nói về lịch sử Phụ nữ Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Năm 1910, bà Clara Zetkin (cộng sản Đức) đề nghị trong Đại hội Đệ nhị quốc tế rằng: Mỗi năm đến ngày 8 tháng 3 thì làm một ngày phụ nữ vận động gọi là “Ngày đàn bà con gái”. Sau ngày ấy đổi ra một tuần. Khẩu hiệu tuần ấy là: “Đòi quyền tuyển cử cho nữ giới”... Mồng 8 tháng 3 năm 1920, Đệ tam quốc tế phái bà Zetkin tổ chức Phụ nữ Quốc tế. Khẩu hiệu là: “Đàn bà con gái công nông phải liên hợp với Đệ tam quốc tế, để làm thế giới cách mệnh”...”.
Về cách tổ chức của Phụ nữ Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; “Quy tắc và chương trình thì đại khái cũng như Đệ tam quốc tế. Nhưng bên này thì chỉ chuyên trách về mặt tuyên truyền, tổ chức và huấn luyện đàn bà con gái, và giúp về đường giáo dục trẻ con công nông.
Mỗi đảng cộng sản phải có một bộ phụ nữ, trực tiếp thuộc về Phụ nữ Quốc tế. Nhưng đảng viên đàn bà trong các đảng phải theo mệnh lịnh Quốc tế, khi phái để làm việc gì dẫu khó nhọc, nguy hiểm mấy cũng phải làm. Thí dụ: Đảng viên A không phải là làm thợ, nhưng khi Quốc tế bảo phải xin vào làm việc trong lò máy nào để vận động phụ nữ trong ấy, thì tất phải bỏ nghề cũ mà vào làm trong lò máy.
Nói tóm lại là quy tắc rất nghiêm, hành động rất thống nhất, và việc làm cũng rất khó. Vì phần nhiều đàn bà con gái còn có tư tưởng thủ cựu. Tuy vậy, ai cũng hết lòng, cho nên tiến bộ mau. Nhờ Phụ nữ Quốc tế mà các đảng cộng sản mới lập ra như đảng ở Java, đảng viên đàn bà mỗi ngày một thêm nhiều.
An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”.
Tháng 6/1928, theo quyết định của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đức qua Thuỵ Sĩ rồi sang Italia. Từ cảng Napoli của Italia, Người đáp tàu Nhật Bản đi Xiêm. Tháng 11/1929, Người rời Xiêm đi Trung Quốc. Tháng 1/1930, Người đến Thượng Hải rồi sau đó đến Hồng Kông. Tháng 2/1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1930-1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, người phụ nữ đã được giác ngộ cách mạng và các tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành. Từ năm 1936-1938, căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8/1937) về công tác vận động phụ nữ, tổ chức Phụ nữ Giải phóng được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ. Từ năm 1939-1941, trong hoàn cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội chủ trương đổi tên thành Hội phụ nữ Phản đế. Từ năm 1941-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được Đảng thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh.
Mười chính sách của Việt Minh đã khẳng định: “Đàn bà cũng được tự do/ Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”[2]. Kết quả phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngay trong cuộc Tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui sướng khi biết được phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất. Vào ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Đảng ta thành lập, nhằm mục tiêu đấu tranh tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.
Ngày 8/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ” đăng trên báo Nhân Dân, số 49, ngày 13/3/1952. Người đã khen rằng: “Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông”.
Ngày 8/3/1955, trên báo Nhân Dân số 371, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Ngày Quốc tế Phụ nữ: “Để chúc mừng ngày vẻ vang ấy, đoàn thể phụ nữ ta cần: Động viên toàn thể phụ nữ hăng hái góp phần vào cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Động viên toàn thể phụ nữ nhiệt liệt ủng hộ các chính sách của Đảng và của Chính phủ, ra sức góp phần vào công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà… Đó là cách rất thiết thực để chúc mừng ngày vẻ vang của phụ nữ quốc tế”.
Ngày 8/3/1956, trên báo Nhân Dân số 735, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Ngày Quốc tế Phụ nữ: “Ngày Phụ nữ quốc tế năm nay có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt: Trên thế giới thì lực lượng hoà bình phát triển ngày càng mạnh. Trong nước thì phong trào thi đua xây dựng ngày càng lên cao. Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phụ nữ ta đã được bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Cho nên trong cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, cũng như trong công việc xây dựng từ ngày hoà bình trở lại, phụ nữ ta đã góp phần xứng đáng”.
Ngày 8/3/1960, trên Báo Nhân Dân số 2181, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Ngày Quốc tế Phụ nữ: “Từ ngày thành lập, Quốc tế Phụ nữ là một lực lượng mạnh mẽ đấu tranh cho công cuộc giữ gìn hoà bình, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hǎng hái tham gia đánh giặc cứu nước”.
Ngày 8/3/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 vào thời điểm chuẩn bị làm lễ khánh thành. Đây là công trình xây dựng từ nguồn vốn có phần đóng góp của phụ nữ cả nước có quy mô và trang bị hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó. Người đã nói với đồng chí Bí thư Đảng ủy Nhà máy Dệt 8/3 cần hết sức chăn lo đời sống của hàng vạn công nhân nữ của nhà máy.
Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[3].