Đề xuất quy định về nghiệp vụ thư tín dụng (L/C): Không còn hoạt động cho vay để thanh toán L/C
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng (L/C).
Dự thảo Thông tư nêu rõ quan điểm xây dựng Thông tư là nhằm hướng dẫn toàn bộ các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng được quy định tại Luật Các TCTD 2024 và theo thông lệ quốc tế, đảm bảo các TCTD vẫn tiếp tục cung ứng đầy đủ các nghiệp vụ và dịch vụ liên quan đến L/C trên cơ sở tuân thủ quy định liên quan tại Luật Các TCTD năm 2024 về L/ và hoạt động cấp tín dụng.
Cụ thể, nghiệp vụ L/C là hình thức cấp tín dụng, gồm 4 nghiệp vụ: Phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả) quy định tại Khoản 4, Khoản 36 Điều 4; điểm e Khoản 3 Điều 107 của dự thảo.
Các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Thống đốc NHNN (quy định tại Điều 114), gồm: (i) Dịch vụ khác liên quan đến L/C (điểm e Khoản 1 Điều 114), gồm các dịch vụ ngân hàng phục vụ bên bán, xuất khẩu; (ii) Hoạt động kinh doanh khác (Khoản 3 Điều 114), là hoạt động mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo L/C (Hoạt động này thời gian qua NHNN đã có công văn gửi các TCTD cho phép thực hiện theo thông lệ quốc tế, không có bản chất là hình thức cấp tín dụng mà là khoản mua bán hẳn bộ chứng từ theo L/C nên cần thiết đưa vào hướng dẫn là hoạt động kinh doanh khác, không phải là hoạt động thương lượng thanh toán tại Thông tư để có căn cứ thực hiện).
Theo Dự thảo, nguyên tắc thực hiện của hoạt động nghiệp vụ L/C của ngân hàng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định của pháp luật có liên quan về cấp tín dụng và tập quán quốc tế về L/C.
Việc kiểm tra bộ chứng từ, quy trình thanh toán L/C được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với tập quán quốc tế về L/C.
Dự thảo quy định, số dư nghiệp vụ L/C cho khách hàng, khách hàng và người có liên quan được xác định vào ngày ngân hàng phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả L/C. Theo đó, để thống nhất với các hình thức cấp tín dụng khác, không được loại trừ số tiền ký quỹ là tài sản bảo đảm ra khỏi tổng mức dư nợ cấp tín dụng khi tính giới hạn cấp tín dụng, dự thảo cũng không cho phép loại trừ số tiền ký quỹ ra khỏi số dư cấp tín dụng vì số dư là biện pháp bảo đảm cho hoạt động cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ L/C.
Dự thảo quy định ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về mức lãi suất áp dụng đối với nghiệp vụ L/C. Đối với các L/C phát hành để thanh toán cho các hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc nhu cầu vốn thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN: Tại Thông tư 39 quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ). Trong nghiệp vụ phát hành L/C, ngân hàng sẽ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nên về nguyên tắc nếu khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên cũng được áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định của Thống đốc NHNN.
Tuy nhiên, thực tế, nghiệp vụ L/C chủ yếu phục vụ khách hàng xuất, nhập khẩu hàng hóa. Nếu quy định nội dung ưu tiên lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên này tại dự thảo Thông tư có thể sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bị chính phủ các nước, các đối tác thương mại thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam với lý do được hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất. Vì vậy, dự thảo thông tư dự kiến không quy định nội dung ưu đãi về lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên này.
Về đồng tiền phát hành L/C, thanh toán L/C, dự thảo quy định nguyên tắc, trên cơ sở hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ khách hàng đề nghị phát hành L/C bằng đồng tiền nào, ngân hàng phát hành L/C bằng đồng tiền đó. Đối với hàng hóa nhập khẩu, các ngân hàng được phát hành L/C bằng ngoại tệ.
Về đồng tiền cấp tín dụng, cấp tín dụng cho người không cư trú, dự thảo Thông tư nêu rõ 3 trường hợp, gồm:
Thứ nhất, đối với nghiệp vụ phát hành L/C, nếu khách hàng không thuộc đối tượng được cho vay ngoại tệ theo quy định hiện hành về cho vay ngoại tệ thì ngân hàng phát hành chỉ được cấp tín dụng bằng VND cho khách hàng, kể cả trong trường hợp L/C được phát hành bằng ngoại tệ. Đến ngày thanh toán L/C, ngân hàng sẽ giải ngân bằng VND để thanh toán L/C, khách hàng dùng số tiền ngân hàng giải ngân để mua ngoại tệ thanh toán L/C.
Trường hợp tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm thanh toán L/C tăng, dẫn đến số tiền VND ngân hàng ký hợp đồng tín dụng với khách hàng không đủ mua số ngoại tệ phải thanh toán L/C thì ngân hàng được giải ngân đủ số tiền VND để mua ngoại tệ thanh toán cho bên thụ hưởng, nhưng phải đảm bảo không được vượt giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng, khách hàng và người có liên quan.
Ngân hàng chỉ xem xét, quyết định phát hành L/C cho khách hàng là người không cư trú khi khách hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư để phù hợp quy định tại Điều 8 về bên vay nước ngoài Thông tư 45/2011/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của TCTD.
Thứ hai, đối với nghiệp vụ xác nhận, hoàn trả L/C, theo dự thảo, ngân hàng xác nhận, hoàn trả và khách hàng được thỏa thuận về việc cấp tín dụng bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với đồng tiền phát hành L/C. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét, quyết định xác nhận, hoàn trả L/C cho khách hàng là người không cư trú khi bên thụ hưởng là người cư trú để phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 131 Luật Các TCTD 2024: “Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng một số dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về ngoại hối”.
Thứ ba, đối với nghiệp vụ thương lượng L/C, ngân hàng được thương lượng thanh toán bằng ngoại tệ ghi trên L/C đối với khách hàng được phép thu và sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hoặc khách hàng sử dụng tiền thương lượng thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Ngân hàng chỉ xem xét, quyết định thương lượng thanh toán bộ chứng từ theo L/C cho khách hàng là người không cư trú khi khách hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư để phù hợp quy định tại Điều 8 về bên vay nước ngoài Thông tư 45/2011/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của TCTD.
Về các dịch vụ liên quan đến L/C được cung ứng cho khách hàng, dự thảo đang quy định theo 2 phương án:
Phương án 1, Ngân hàng được cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khác liên quan đến L/C theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng phù hợp với tập quán quốc tế về L/C.
Phương án 2, Ngân hàng được cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khác liên quan đến L/C, gồm: Thông báo L/C xuất khẩu; thông báo sửa đổi, kiểm tra, xử lý bộ chứng từ xuất khẩu; Hủy L/C theo yêu cầu; Chuyển nhượng L/C xuất khẩu; Sửa đổi L/C chuyển nhượng; Hủy L/C chuyển nhượng; điện SWIFT; chuyển phát bộ chứng từ; xuất trình bộ chứng từ theo L/C xuất khẩu; Sửa đổi/ điều chỉnh thư đòi tiền theo yêu cầu của khách hàng; Lập bộ chứng từ theo L/C cho khách hàng theo yêu cầu của khách hàng; Kiểm nháp chứng từ, tư vấn nghiệp vụ thanh toán, xử lý bộ chứng từ; kiểm sai sót bộ chứng từ chuyển nhượng và các dịch vụ khác phù hợp với tập quán quốc tế về L/C.
Về hoạt động mua hẳn không có bảo lưu quyền truy đòi bộ chứng từ theo L/C, NHNN quy định chỉ cho phép mua hẳn bộ chứng từ đã được chấp nhận thanh toán để giảm rủi ro bộ chứng từ bị từ chối thanh toán vì không phù hợp theo L/C
Đánh giá tác động, Dự thảo thông tư quy định tổng thể về nghiệp vụ L/C cho thấy việc ban hành Thông tư nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động về nghiệp vụ L/C và các dịch vụ liên quan đến L/C của tổ chức tín dụng được thực hiện thống nhất, đầy đủ, phân định rõ ràng các nghiệp vụ L/C để quản lý hoạt động này theo đúng bản chất nghiệp vụ, đảm bảo hoạt động nghiệp vụ L/C của các TCTD được thông suốt, an toàn.
Trên cơ sở quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, tập quán quốc tế về L/C, các quy định pháp luật liên quan, dự thảo thông tư quy định nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả L/C là hình thức cấp tín dụng. Vì vậy, phải thay đổi quy trình tác nghiệp của các TCTD liên quan đến L/C, theo đó, không còn hoạt động cho vay để thanh toán L/C mà khâu cho vay chỉ là quy trình giải ngân của khoản cấp tín dụng thông qua phát hành L/C.
Như vậy, việc cấp tín dụng thông qua phát hành và thanh toán L/C là một quy trình cấp tín dụng thống nhất, các ngân hàng phải tuân thủ các quy định cấp tín dụng hiện hành tại Luật Các TCTD năm 2024 về điều kiện cấp tín dụng, nguyên tắc thực hiện, thỏa thuận cấp tín dụng, hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng, giải ngân, nhận nợ, lãi suất, hạn mức cấp tín dụng, chuyển nợ quá hạn, phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro..... để các TCTD thực hiện thống nhất.
Trước đó, tại các cuộc họp về vướng mắc thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, các TCTD đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể khi xác định nghiệp vụ nào là tín dụng, nghiệp vụ nào là dịch vụ trong hoạt động thư tín dụng.