Chứng khoán

Xu hướng tăng của thị trường chưa bị phá vỡ

Uyên Tô 11/03/2024 - 10:12

Những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Sau khởi đầu tích cực với VN-Index tăng 3,13 điểm (+0,3%), chỉ số này đã đối mặt với áp lực chốt lời và điều chỉnh trong những phiên tiếp theo.

Tuần giao dịch kết thúc với phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2023, VN-Index giảm 21,1 điểm (-1,7%) xuống mức 1.247 điểm, với lực bán chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu bluechip có mức tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dòng tiền nội địa vẫn duy trì sự quan tâm đến thị trường, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Do những biến động mạnh ở những phiên cuối tuần, VN-INDEX đóng cửa tại 1.247,4 điểm, tương đương mức giảm 0,9% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-INDEX và UPCoM cùng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,1% lên 236,3 và 91,2 điểm.

Tuần qua, BID (-3,4%), VCB (-2,3%), VHM (-3,2%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi MSN (+11,4%), BCM (+9,0%) và GAS (+2,5%), giúp kìm lại đà bán tháo của thị trường. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu midcap cũng là điểm sáng của thị trường trong tuần với một số mã tăng giá mạnh.

Thanh khoản tiếp tục cải thiện với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 30.187 tỷ đồng/phiên (+15,9% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HOSE với giá trị 981,4 tỷ đồng (so với mua ròng 108,4 tỷ đồng tuần trước). HNX ghi nhận mua ròng nhẹ 37 tỷ đồng trong khi giá trị bán ròng trên UPCoM ghi nhận 20 tỷ đồng (+15% so với tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 964 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Đánh giá diễn biến thị trường tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT cho biết, áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-INDEX chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm “bất thành” trong phiên cuối tuần qua. Đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây, và dần lan rộng ra toàn thị trường. Lực bán càng gia tăng về cuối phiên ngày thứ sáu và kéo chỉ số VN-INDEX xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm.

“Mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu. Thực tế, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ khi chỉ số VN-INDEX vẫn đang giao dịch trên đường MA20”, ông Đinh Quang Hinh cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia này nhấn mạnh, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu. Sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại.

Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap).

Đồng quan điểm, chuyên gia CTCK Yuanta Việt Nam cũng cho rằng. xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Tuy nhiên, thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu rủi ro tăng dần, trong khi đó rủi ro ở nhóm cổ phiếu mid-cap vẫn được đánh giá ở mức thấp.

Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Nhịp điều chỉnh này là cơ hội để các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục và tìm kiếm cổ phiếu mạnh trong giai đoạn này.

Về trung hạn, chuyên gia đánh giá đây chỉ là các nhịp điều chỉnh kỹ thuật sau chuỗi tăng nhiều tuần liên tiếp, rủi ro trung hạn vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để tiếp tục mua vào khi dư địa tăng của thị trường vẫn còn nhiều.

image_2024-03-11_093957799.png

Trên thị trường tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ và Nhật Bản điều chỉnh giảm từ vùng đỉnh lịch sử trong tuần qua, trong khi chứng khoán châu Âu cùng một số thị trường ở châu Á như: Trung Quốc, Hàn, Quốc,… tăng điểm.

Đáng chú ý, trong hai buổi điều trần về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ trong tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát đi tín hiệu rằng ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất trong năm nay.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo lạm phát cả năm, nhận định tốc độ tăng giá tiêu dùng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm về mục tiêu 2% vào năm 2025. Động thái này có thể “dọn đường” để ECB bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Uyên Tô