Kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam – ADB: Mở ra chương mới với tầm nhìn xa hơn, hợp tác hiệu quả hơn
Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam – ADB.
Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch ADB - ông Masatsugu Asakawa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân…
Lễ kỷ niệm là sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường 30 năm hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và ADB, đồng thời mở ra một chương mới trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy, hiệu quả. Thủ tướng đặc biệt cảm ơn sự có mặt của Chủ tịch ADB tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm hợp tác, qua đó cho thấy một thông điệp mạnh mẽ hướng tới tương lai với tầm nhìn xa hơn, hợp tác hiệu quả hơn.
Theo Thủ tướng, sau 30 năm, hợp tác giữa Việt Nam và ADB đã có nhiều kinh nghiệm hơn và đang ở trong giai đoạn trưởng thành, chín chắn nhất; mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai bên là không có giới hạn như phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, nhất là về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, hoạt động hợp tác giữa ADB và Việt Nam cần trọng tâm, trọng điểm hơn, tập trung cho đầu tư phát triển, các chương trình, dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, thay vì tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo như giai đoạn trước, với tư duy, cách làm, thủ tục đổi mới.
Trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng mong ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác phát triển khác, triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045.
Thủ tướng đề nghị hợp tác giữa hai bên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình hạ tầng chiến lược, nhất là tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển khu vực tư nhân.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên thiết lập tổ công tác để triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phía Việt Nam. Thủ tướng mong muốn hai bên sẽ nỗ lực, cố gắng, quyết tâm để 30 năm tới hợp tác tốt hơn, hiệu quả hơn, trên tinh thần chân thành, tin cậy, với tình cảm “từ trái tim tới trái tim”.
Chủ tịch ADB - ông Masatsugu Asakawa đánh giá quan hệ đối tác Việt Nam và ADB đã đem lại những thành quả tích cực, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Chủ tịch ADB đặc biệt đánh giá cao việc Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và xây dựng kế hoạch toàn diện cho quá trình chuyển đổi xanh. Ông cũng khẳng định ADB cam kết thực hiện vai trò Ngân hàng Khí hậu của châu Á, qua đó tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho các nước thành viên.
Trong 30 năm qua, tổng qui mô tài trợ của ADB lên tới 18 tỷ USD cho gần 600 chương trình, dự án gồm cả khu vực công và tư nhân đã tạo ra những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả lớn trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng đô thị.
Cùng với nguồn lực tài trợ trên, thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, ADB cũng đã hỗ trợ cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách, tăng cường năng lực quản lý và điều hành.
Tại buổi lễ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của ADB trong lĩnh vực ngân hàng.
"Thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chương trình vay vốn, tài trợ thương mại tới ngân hàng thương mại đã góp phần hỗ trợ, củng cố hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng an toàn, lành mạnh, phù hợp với những thông lệ quốc tế tốt nhất, qua đó hệ thống ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế, cùng với các ngành khác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập toàn diện, sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Thống đốc khẳng định, với vai trò cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại ADB, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa phối hợp với ADB cũng như các tổ chức tài chính, tiền tệ khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện nhằm huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ADB được tổ chức khuôn khổ chuyến thăm và công tác của Chủ tịch ADB tại Việt Nam từ ngày 11-15/3/2024. Trong chuyến thăm lần này, ông Asakawa đã có các buổi tiếp kiến với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại các buổi tiếp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã ghi nhận và đánh giá cao những giúp đỡ quý báu của ADB trong suốt 30 năm qua, góp phần hỗ trợ cho quá trình xóa đói, giảm nghèo, công cuộc đổi mới, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; cảm ơn ADB trong việc tiếp tục huy động 3 tỷ USD cho đầu tư công giai đoạn 2023-2026 và hơn 2 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động trên, Chủ tịch ADB còn đi thăm, thực địa một số dự án do ADB tài trợ tại Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc để nắm tình hình và kết quả triển khai của các chương trình, dự án này.