Hoạt động ngân hàng

An Giang: Dư nợ tín dụng quý I/2024 ước tăng 1,45%

ThS.Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được triển khai nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, nhờ đó mà tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang trong quý I/2024 ước tăng 1,45%.

thuy-san.jpg
An Giang: Dư nợ tín dụng quý I/2024 ước tăng 1,45%

Nhờ lãi suất ngân hàng giảm sâu đã và đang góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp lẫn người dân ở An Giang tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi hơn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, kích thích nền kinh tế địa phương phát triển.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang, ước thực hiện đến cuối quý I/2024, tổng số dư huy động vốn tăng 0,32% so cuối năm 2023, đạt 69.574 tỷ đồng. Trong đó: huy động vốn trên 12 tháng số dư đạt 17.478 tỷ đồng, chiếm 25,12%/tổng vốn huy động.

Về cơ cấu tiền gửi: Tiền gửi tiết kiệm đạt 50.104 tỷ đồng, chiếm 73,17%; tiền gửi thanh toán đạt 18.375 tỷ đồng, chiếm 26,83%.

Đáng chú ý, ước dư nợ tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2024 tăng 1,45% so với cuối năm 2023, đạt 114.152 tỷ đồng, trong đó: dư nợ tín dụng ngắn hạn là 89.316 tỷ đồng, chiếm 78,24%; dư nợ tín dụng trung, dài hạn là 24.836 tỷ đồng, chiếm 21,76%. Dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân là 28.195 tỷ đồng, với 1.477 hồ sơ tín dụng; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân là 85.957 tỷ đồng với 299.335 hồ sơ tín dụng. Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn. Dòng chảy tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo tăng 0,64% so với cuối năm 2023, đạt 16.732 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 14.860 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 31 doanh nghiệp và 164 cá nhân, với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.550 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 48 tỷ đồng.

Ông Dũng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo, theo dõi đôn đốc và giám sát các ngân hàng trên địa bàn thực hiện các giải pháp cấp tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; đẩy mạnh cho vay Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh cho vay thu mua, sản xuất chiến biến lúa gạo xuất khẩu.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu của các Quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2022 - 2025; giám sát việc triển khai thực hiện thu hồi nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Ước kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 của An Giang đạt 202,4 triệu USD, tăng 7,77% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong của khối doanh nghiệp, gồm: sản lượng gạo xuất khẩu đạt 76,1 nghìn tấn, giá trị 47,2 triệu USD, tăng 10,25% về kim ngạch so cùng kỳ; Thủy sản đông lạnh xuất khẩu đạt 25 nghìn tấn, giá trị 46 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 1,8% về kim ngạch so cùng kỳ; rau quả đông lạnh xuất khẩu đạt 24,8 nghìn tấn, giá trị 10,2 triệu USD, tăng 12,02% về kim ngạch; may mặc (quần áo) xuất khẩu đạt 43,1 triệu USD, tăng 18,45% so cùng kỳ; giày dép xuất khẩu đạt 32,1 triệu USD, tăng 12,31% so cùng kỳ…

ThS.Trần Trọng Triết