Doanh nghiệp vận tải biển toàn cầu tin kinh tế sáng sủa hơn trong nửa sau năm 2024
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải biển và doanh nghiệp bán lẻ tin tưởng vào khả năng tình hình thương mại toàn cầu nửa sau năm 2024 sẽ sáng sủa hơn.
Ông Rolf Habben Jansen, Tổng Giám đốc Công ty vận tải Hapag-Lloyd – công ty vận tải biển lớn thứ 5 trên thế giới, nói với CNBC rằng ông có quan điểm lạc quan về triển vọng thương mại trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024.
Sở dĩ ông Jansen có quan điểm lạc quan như vậy là bởi ông đã có những trao đổi với khách hàng và đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải biển lớn khác của thế giới, phần lớn trong số họ đều có quan điểm lạc quan hơn so với khoảng thời gian trước đây.
“Chúng tôi cũng thấy rằng hàng tồn kho tại nhiều nơi trên thế giới đã sụt giảm, cho đến nay quá trình phục hồi của ngành vận tải biển diễn ra nhanh hơn so với kỳ vọng. Chính vì vậy, chúng tôi cảm thấy hài lòng với điều đó”, ông Jansen phân tích.
Trong tuần vừa rồi, doanh nghiệp vận tải biển lớn thứ 5 thế giới này đã công bố lợi nhuận năm 2023 giảm sâu, đồng thời hạ cổ tức, kết quả cổ phiếu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
“Quý cuối cùng của năm 2023 có thể coi là một quý kinh doanh rất khó khăn. Tôi nghĩ mọi người đều nhận ra điều đó. Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã làm thay đổi thị trường”, ông Jansen phân tích.
Cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ đã đẩy tăng chi phí vận tải, đại diện của Hapag-Lloyd đang dự báo về khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm trong năm nay bởi chi phí gia tăng do các tàu phải chuyển hướng ra khỏi khu vực Biển Đỏ.
Tính toán của SONAR cho thấy, chi phí vận tải công ten nơ 40 feet tại Mỹ vào ngày 3/1/2024 dao động trong khoảng từ 3.063-3.763USD/công ten nơ lên đến mức đỉnh 5.353-7.329USD/công ten nơ. Dù rằng chi phí vận tải này đã giảm nhưng các doanh nghiệp Mỹ vẫn phải trả phí ở mức khá cao. Cụ thể, tính từ đầu năm nay chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang Bờ Tây nước Mỹ tăng 155%, từ châu Á sang Bờ Đông nước Mỹ tăng 129%, từ châu Á sang vịnh Mexico tăng khoảng 71,2%.
Lực lượng Houthi vẫn tiếp tục tấn công các tàu hàng thương mại trên khu vực Biển Đỏ. Mới ngày thứ Sáu (ngày 16/3), một tàu hàng đi hướng về phía Bắc qua khu vực Biển Đỏ dù không mang hàng nhưng vẫn bị tấn công, tuy nhiên không có thiệt hại nào quá lớn và không có thương vong, vì vậy tàu vẫn tiếp tục hành trình. Một ngày trước đó, đã có những dự báo khá bi quan về những điều có thể xảy ra với tàu trên con đường di chuyển.
"Tình hình hiện tại trên Biển Đỏ thực sự đáng lo lắng, tôi nghĩ triển vọng vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ lắng dịu sau vài tháng nữa. Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng bất chấp những nỗ lực của nhiều nước, tình hình có thể sẽ vẫn căng thẳng. Nhìn chung, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ cho thuyền viên được an toàn, dù rằng điều đó có thể đồng nghĩa quá trình vận chuyển mất nhiều thời gian hơn”, ông Jansen nói.
Tuyến đường vận tải đi qua khu vực Mũi Hảo Vọng của châu Phi tốn nhiều thời gian và nhiên liệu hơn. Ngoài ra, theo tính toán của tổ chức Sea-Intelligence, việc chuyển hướng tàu hàng qua Biển Đỏ sẽ có thể khiến phát thải các bon tăng thêm từ 260% đến 354%.
Việc phát thải các bon nhiều như vậy trái ngược hoàn toàn với lộ trình hướng đến không phát thải các bon vào năm 2045 của các doanh nghiệp vận tải toàn cầu.
Trong bối cảnh ngành vận tải toàn cầu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã phải nỗ lực thành lập các liên minh để cùng gia tăng chất lượng dịch vụ. Tháng 1/2024, công ty vận tải biển Maersk và Hapag-Lloyd công bố thành lập liên minh để có thể hợp tác giảm chi phí vận tải cũng như tối ưu chất lượng chăm sóc khách hàng. Tính tin cậy của hệ thống mới sau liên minh ước tính sẽ lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này bình thường phổ biến chỉ 51,6%.