Chứng khoán

Thị trường lại xáo trộn mạnh, HOSE đạt giao dịch hơn 43 nghìn tỷ đồng

Mai Hương 18/03/2024 - 17:01

HOSE có một phiên giao dịch đạt giá trị lớn nhất kể từ tháng 12/2021, giai đoạn thị trường chịu ảnh hưởng của COVID-19. Nhiều nhóm cổ phiếu đã thể hiện tâm lý có phần nhạy cảm nhưng trái lại nhóm cổ phiếu bất động sản lại khuấy động thị trường với nhiều mã tăng trần.

screenshot-2024-03-11-155437.png

Định vị thị trường

Chứng khoán châu Á và thế giới không phải tác nhân gây ra sự xáo trộn cho thị trường Việt Nam trong phiên hôm nay (ngày 18/3). Các chỉ số khu vực như NIKKEI 225 (+2,67%), SZI (+1,46%), SHCMP (+0,99%), TWSE (+1%) đón chào tuần mới trong sắc xanh khá tích cực bất chấp thị trường Mỹ trước đó một phiên giao dịch đột biến về thanh khoản do chịu ảnh hưởng của sự kiện Triple Witching (gần tương tự như đáo hạn phái sinh tại Việt Nam).

Mức tăng khá đồng đều cho thấy, nhà đầu tư tại châu Á không bị nhiễu từ thị trường Mỹ cũng như mang màu sắc tâm lý bi quan trước cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, với nội tại thị trường chưa tìm được nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới thay cho ngân hàng, chỉ số đã tỏ ra dễ tổn thương dù đã có những nỗ lực trong tuần giao dịch trước đó, có thời điểm trong phiên hôm nay, VN-Index để mất hơn 3,4%.

Chất xúc tác

Thông tin về đáo hạn tín phiếu ở tuần trước đã không "đánh chìm" thị trường. Tính chung cả tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 74.998,6 nghìn tỷ đồng từ thị trường bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành cũng tạm thời đứng ở mức này.

Tác động từ hành động của nhà điều hành đang giúp cho tỷ giá tự do không còn quá nóng, tỷ giá tự do được giao dịch quanh mức 25.500 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ở dưới 24.000 VND/USD.

Ngoài ra, tác động tới thanh khoản của hệ thống cũng không như lo ngại. Trên thị trường 2, kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,53% sau khi có những phản ứng với các thông tin về đợt phát hành tín phiếu đầu năm.

Trong khi đó, khớp lệnh của HOSE đã hồi phục trong tuần qua và ngay trong ngày đầu tuần còn đột biến với mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Nếu tính tổng giá trị giao dịch, phiên hôm nay còn đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2021, thời điểm dòng tiền "cuồn cuộn" đổ về thị trường.

3ex-2024-03-18.png

Đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn suy yếu khi dòng tiền nội hoạt động mạnh. Tỷ trọng tham gia 2 chiều mua/bán của khối ngoại chỉ chiếm 8,54%. Dù vậy, khối ngoại bán ròng hơn 950 tỷ đồng vẫn là diễn biến cần chú ý bởi trong ngày thứ Sáu vừa qua, đã có hơn 1.300 tỷ đồng bị rút khỏi trên HOSE.

Vận động thị trường

Giai đoạn đầu phiên sáng, nhóm cổ phiếu bất động đã nhen nhóm những cơ hội giao dịch như DIG, TCH, HDC, DXG nhưng sau đó, thị trường chung đã chuyển biến kém tích cực do chịu áp lực lớn từ các cổ phiếu VN30.

Mặc dù, thị trường đã có nhiều phiên ghi nhận dòng tiền chuyển sang Midcap và Penny nhưng các vận động của VN30 vẫn đang tạo ra sự cảnh giác cao độ. Đã có thời điểm, cổ phiếu lớn như GVR, CTG giảm sàn trong phiên trong khi các mã khác cũng giảm sâu.

Dù đã có những nỗ lực cân điểm từ VRE (+7%), VIC (+3,8%) nhưng VN30 vẫn không thể khắc phục hết thiệt hại trong phiên. Chỉ số VN30 mất 1,65% cùng với đó là 28/30 mã giảm giá. Các mã giảm mạnh nhất là GVR (-5,9%), BCM (-4,3%), CTG (-4,2%), MWG (-3,1%), PLX (-3,1%), TCB (-3,1%), HDB (-3%).

Nhiều nhóm cổ phiếu như chứng khoán, khu công nghiệp, đầu tư công, bán lẻ, phân bón, hóa chất, cảng biển cũng bị liên đới dù cho trước đó đang xu hướng tích cực: VIX (-5,05%), VCI (-3,72%), HCM (-4,24%), KBC (-4,46%), SZC (-6,22%), IJC (-4%), CTD (-7%), DGW (-5,65%), DCM (-3,94%), DGC (-7%), HAH (-4,52%), trong đó CTD và DGC đóng cửa giảm sàn.

Dù vậy, những cổ phiếu bất động sản tăng đầu phiên sáng vẫn có những nỗ lực ghi điểm trong mắt nhà đầu tư với sự quyết liệt về cuối phiên. DIG tăng trần sau khi giao dịch hơn 2.350 tỷ đồng, TCH tăng trần sau khi giao dịch hơn 630 tỷ đồng. Các mã DXG, HDC, PDR cũng tăng trên 3%.

Nhiều khả năng, nhà đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản đã được tiếp thêm tự tin sau khi có thông tin Vingroup (VIC) sẽ giảm sở hữu tại VRE. Đây cũng là lý do giúp cho VRE và VIC đi ngược nhóm cổ phiếu lớn trong VN30.

Tính chung lại, VN-Index đóng cửa tại 1.243 điểm (-1,6%) ngay dưới đường MA20. Nếu đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên là 1.221 điểm, tín hiệu thị trường sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn lên tới 43.132 tỷ đồng.

Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt mất 1,19% và 1,13% với nhiều mã giảm như BSR (-3,09%), VGI (-6,91%), ACV (-3,13%), MBS (-4,71%), PVS (-2,37%), IDC (-3,85%). Dù vậy, CEO (+3,62%), L14 (+2,59%) vẫn ghi điểm mạnh mẽ. Tính chung, tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 4.700 tỷ đồng.

Mai Hương