Doanh nghiệp

Pacific Airlines trước khi tạm ngừng bay: Lỗ hơn 2.000 tỷ đồng trong 3 năm, nợ ACV 850 tỷ đồng

Quốc Trọng 19/03/2024 10:05

Để tái cơ cấu lại đường bay, Pacific Airlines tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3.

screenshot-2024-03-19-at-09.40.52.png

Mới đây, thông tin trên báo chí, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận Hãng hàng không Pacific Airlines sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3, sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác. Nguyên nhân chính là hãng tái cơ cấu lại đường bay.

Vị này cũng cho biết Pacific Airlines sẽ tìm kiếm đối tác mới để thuê máy bay. Khi nào thuê được hãng sẽ tiếp tục khai thác các đường bay đã đăng ký. "Hiện hãng vẫn còn một số tàu bay không khai thác và sẽ tiếp tục trả, sau khi đã kiểm tra kỹ thuật theo hợp đồng thuê", vị này nói.

Các khách hàng tìm kiếm chuyến bay hiện đã không còn tìm thấy lịch trình của Pacific Airlines. Việc trả toàn bộ máy bay cho đối tác sẽ xóa đi một số khoản nợ đã thỏa thuận, giúp giảm gánh nợ tài chính cho Pacific Airlines và Vietnam Airlines – hãng đang nắm giữ hơn 99% vốn của Pacific Airlines.

Pacific Airlines ra đời vào năm 1991, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam. Từ đầu những năm 2000, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines đã liên tục thua lỗ.

Đến tháng 4/2007, Pacific Airlines "bén duyên" với Qantas Airways. Khi đó, hãng hàng không đến từ Australia ký hợp đồng đầu tư với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược. Qantas tham vọng đưa hãng hàng không giá rẻ của riêng mình là Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ châu Á.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng đổi lại sẽ chuyển sang dùng thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.

Dù được đầu tư mạnh tay, đến cuối năm 2011, Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam. Do hậu quả của nhiều năm lỗ liên tiếp, hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động.

Cũng trong năm 2011, Vietnam Airlines đã nhận tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với gần 69% cổ phần và một lần nữa trở thành công ty mẹ của hãng hàng không này. Vietnam Airlines được giao nhiệm vụ đưa Jetstar Pacific trở lại đà phục hồi và phát triển đội bay.

Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific từng bước giảm lỗ và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018 và 2019. Tuy nhiên, COVID-19 khiến ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề và Pacific Airlines lại tiếp tục đà thua lỗ.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng, giảm lỗ 212 tỷ đồng so với năm 2021.

Theo báo cáo năm 2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV), giá trị nợ xấu của Pacific Airlines tại ACV là 850 tỷ đồng, nhưng tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu lên đến hơn 97%. ACV đang phải dự phòng 760 tỷ đồng cho khoản nợ xấu tại Pacific Airlines.

Trước tình hình khó khăn của Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp hãng này vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Với việc kinh doanh không hiệu quả, kể từ đầu năm 2022 Vietnam Airlines đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến quá trình tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines. Tuy nhiên quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp chính quyền để xử lý.

Quốc Trọng