Sẽ trao quyền nhiều hơn cho VDB trong xử lý rủi ro tín dụng?
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo dự thảo Quyết định được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, biện pháp xử lý rủi ro tín dụng mà VDB được sử dụng bao gồm chuyển theo dõi ngoại bảng và bán nợ.
Các khoản nợ được chuyển theo dõi ngoại bảng bao gồm: khoản nợ vay của khách hàng là tổ chức bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật; khoản nợ vay của khách hàng là cá nhân chết hoặc được tuyên bố mất tích theo quyết định của tòa án; khoản nợ vay của khách hàng được phân loại nhóm 5. Sau thời gian tối thiểu 5 (năm) năm kể từ ngày chuyển theo dõi ngoại bảng và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, VDB được xem xét quyết định việc xuất toán khoản nợ (gốc, lãi) đã xử lý ra khỏi ngoại bảng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các khoản nợ nói trên, VDB cũng được xem xét bán nợ (theo phương thức đấu giá hoặc phương thức thoả thuận) để thu hồi nợ nếu VDB và khách hàng không có thoả thuận về việc không được bán nợ và khoản nợ không được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm bán nợ, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý về việc bán nợ.
Về thẩm quyền quyết định các biện pháp xử lý rủi ro tín dụng, dự thảo Quyết định quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xuất toán khoản nợ ra khỏi ngoại bảng và bán khoản nợ được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ. Còn lại, Hội đồng quản trị VDB được quyết định việc sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng để chuyển theo dõi ngoại bảng đối với khoản nợ; xuất toán khoản nợ ra khỏi ngoại bảng và bán khoản nợ được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bán khoản nợ với giá bán dự kiến bằng hoặc cao hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ và bán các khoản nợ đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng; xuất toán nợ lãi không thu hồi được ra khỏi ngoại bảng đối với các khoản nợ vay thuộc các trường hợp chuyển theo dõi ngoại bảng nhưng không còn nợ gốc và chỉ còn nợ lãi.
Như vậy, có thể thấy, theo dự thảo cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB mà Bộ Tài chính đang xây dựng, phần lớn thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro tín dụng sẽ được giao cho Hội đồng quản trị VDB quyết định. Chỉ trong trường hợp xuất toán khoản nợ ra khỏi ngoại bảng và bán khoản nợ được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ thì Hội đồng quản trị VDB mới quyết định sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nếu được ban hành, cơ chế xử lý rủi ro tín dụng nói trên sẽ trao quyền chủ động rất lớn cho VDB trong việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng tại VDB. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu và lành mạnh hoá danh mục tài sản có của VDB trong thời gian tới, phù hợp với phương án cơ cấu lại và định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023 - 2027 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.