Thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt Nam khó cạnh tranh
Với việc sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng và đang có mặt tại hơn 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giúp khẳng định vai trò và vị thế của ngành phân bón Việt Nam trên thị trường quốc tế. Song, thuế xuất khẩu 5% khiến xuất khẩu phân bón khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Xuất khẩu phân bón ngày càng tăng
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan, tháng 2/2024 xuất khẩu phân bón các loại của cả nước đạt 171.741 tấn, trị giá 72,523 triệu USD, giảm 4,7% về lượng và giảm 0,5% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế, xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 351.962 tấn, trị giá 145,419 triệu USD, tăng 26,5% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch.
Hai tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu phân bón sang ba thị trường chính gồm Campuchia, Hàn Quốc và Malaysia. Trong đó, Campuchia là thị trường chủ lực với khối lượng xuất khẩu đạt 67.530 tấn, trị giá gần 28 triệu USD, chiếm 39,32% tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,03% về lượng nhưng giảm 5,41% về trị giá do giá xuất khẩu phân bón giảm.
Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với lượng xuất khẩu đạt 60.720 tấn, trị giá 25,202 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 51,31% về lượng và tăng 63,61% về kim ngạch và chiếm 35,35% tổng lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Malaysia đứng thứ ba, đạt 22.407 tấn, trị giá hơn 7,397 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 12,68% về lượng và tăng 19,13% về kim ngạch, chiếm 13,04% tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước.
Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng, phải kể đến sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Cụ thể là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nhập khẩu. Nhưng PVCFC vẫn mở rộng xuất khẩu đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón, góp phần gia tăng doanh thu. Đến nay, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt tại 18 quốc gia trên thế giới, trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.
Sản xuất dư cung “2 ông lớn” ngành phân bón tìm đường xuất khẩu
Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu, từ năm 2023 đến nay Phân bón Cà Mau vẫn tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước. Trong đó, hai thị trường tiềm năng Úc và New Zealand luôn được công ty xác định với có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ bấy lâu nay.
Theo các chuyên gia, Úc và New Zealand là hai trong số các thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón. Trong suốt thời gian qua, Phân bón Cà Mau từng bước cải thiện chất lượng từ dịch vụ vận chuyển, bốc xếp cho đến khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy. Công ty luôn chú trọng đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất cho khách hàng với tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới.
Ngay từ đầu năm 2024, Phân bón Cà Mau đã chuẩn bị cho lô sản phẩm Urê hạt đục đầu tiên xuất khẩu sang thị trường New Zealand. Đây là thị trường sẵn sàng trả giá rất cao so với các nước khác nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Song song đó, công ty cũng hoàn thiện thủ tục cuối cùng để được cấp phép nhập khẩu sản phẩm Urê hạt đục của Phân bón Cà Mau vào thị trường Úc và đang chuẩn bị lô hàng hơn 35.000 tấn đi Mexico. Chất lượng sản phẩm Urê Cà Mau tiếp tục nhận sự tin tưởng của đối tác đã đồng hành từ thị trường châu Mỹ này.
Trong những năm gần đây, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã chứng khoán DPM), chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu với số lượng hàng năm tăng cao và uy tín, vị thế nhà xuất khẩu phân bón của PVFCCo đã được ghi nhận trên bản đồ kinh doanh phân bón quốc tế. Các thị trường nước ngoài mà các sản phẩm của PVFCCo đã có mặt hầu hết là các thị trường lớn, khó tính như Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Phillipines…
Thuế xuất khẩu 5% khiến xuất khẩu phân bón khó cạnh tranh
Mặc dù, một số loại phân bón trong nước sản xuất đã dư cung, cần khuyến khích xuất khẩu nhưng hiện nay vẫn đang áp thuế xuất khẩu 5%, khiến phân bón Việt khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
Góp ý dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV) kiến nghị áp thuế xuất khẩu 0% với phân bón Urê và Supe lân, thay vì mức 5% hiện hành. Bởi theo hiệp hội này, năng lực sản xuất trong nước đang dư thừa so với nhu cầu cần khuyến khích xuất khẩu.
Nhận định về nguồn cung Urê trong nước, TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký FAV cho biết, nhu cầu về Urê trong nước khoảng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Trong khi năng lực sản xuất Urê của 4 nhà máy trong nước gồm Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đã xấp xỉ khoảng 3 triệu tấn. Tức là, sản xuất trong nước đang dư thừa khiến doanh nghiệp phải xuất khẩu để duy trì công suất.
Song, với mức thuế xuất khẩu 5% đang làm giảm cơ hội, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thuế cao cũng hạ năng lực cạnh tranh của sản phẩm Urê Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn, mặt hàng này đang chịu cạnh tranh bởi sản phẩm từ Indonesia, Malaysia, Brunei - nơi không chịu thuế 5% như Việt Nam.
Tháng 12/2023, FAV đã có công văn gửi Bộ Tài chính về góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có kiến nghị áp thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như Urê, Supe lân, SOP về 0%, thay vì mức 5% như hiện hành.