Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng không đáng ngại
Diễn biến của tỷ giá USD/VND thời gian qua cho thấy những căng thẳng chưa vơi đi. Tuy nhiên, giới chuyên môn kỳ vọng với việc chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng USD có xu hướng mất giá trên diện rộng và sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Thống kê thị trường tiền tệ trong ngày 20/3 cho thấy, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.997 đồng, tăng 7 đồng so với phiên trước. Còn tại các ngân hàng thương mại (NHTM), giá mua – bán đồng USD cũng được điều chỉnh tăng từ 25 – 40 đồng so với phiên trước/tùy ngân hàng.
Trong phiên sáng nay, giá mua – bán đồng USD tại: Vietcombank ở mức 24.550 – 24.920 VND/USD; BIDV là 24.600 – 24.910 VND/USD; Techcombank là 24.586 – 24.932 VND/USD; Sacombank là 24.545 – 25.015; Eximbank là 24.520 – 24.910; ACB là 24.560 – 24.960…
Tỷ giá tăng do đâu?
Chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và Triển vọng của thị trường” do Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức chiều ngày 19/3, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, kể từ đầu năm đến ngày 18/3, VND đã mất giá khoảng 1,8% so với USD.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có 3 nguyên nhân giải thích cho việc tỷ giá tăng nóng trong giai đoạn đầu năm nay, gồm: đầu tiên, đồng USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Cùng với đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu và chênh lệch lãi suất giữa USD - VND vẫn ở mức cao; thứ hai, tình trạng một số doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước vào đầu năm. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ; cuối cùng, hiện tượng đầu cơ tích trữ trên thị trường.
Cùng chung quan điểm, trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia CTCK MB (MBS) cho rằng, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép khi FED cho thấy dấu hiệu sẽ không hạ lãi suất sớm khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VND sẽ bị kéo dài. Cùng với đó là xuất nhập khẩu cải thiện khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước.
“Ngoài ra, trong vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 - 60 tấn vàng nguyên liệu/năm, gấp hơn 20 lần tổng lượng vàng khai thác trong nước. Việc nhập khẩu vàng để phục vụ nhu cầu trong nước và việc găm giữ USD khi đồng USD liên tục biến động tại thị trường trong nước lẫn thế giới đã tác động đến cung cầu trên thị trường và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái”, các chuyên gia của MBS phân tích.
Không đáng ngại
Dù tỷ giá USD/VND đã tăng 1,8% từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, giới chuyên môn đều có chung quan điểm, diễn biến này không quá lo ngại.
Phân tích kỹ hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, từ nay đến cuối năm, FED sẽ giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu ngấm đòn do tác động từ lãi suất cao. Trong bối cảnh đó, các đồng tiền khác có thể tăng khi USD giảm giá, trong khi VND cơ bản ổn định dần hoặc có thể mất giá nhẹ bởi VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm. Từ các phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực khẳng định, tỷ giá trong năm nay sẽ không quá đáng ngại.
Với kỳ vọng chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng đô la Mỹ có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước, các chuyên gia MBS dự báo: “tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23.800 – 24.300 VND/USD và vẫn tiếp tục sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm thặng dư thương mại tuy nhiên sẽ có thể không còn tốt như bây giờ khi xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, giải ngân FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định (IMF dự báo lượng kiều hối trong năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD), du lịch quốc tế hồi phục mạnh,…”.
Còn theo các chuyên gia của CTCK Bảo Việt (BVSC), việc Ngân hàng Nhà nước có đề xuất gửi Chính phủ về giải pháp quản lý thị trường vàng, sẽ góp phần giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
Đồng thời, việc Ngân hàng Nhà nước hút thanh khoản cũng sẽ làm giảm chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới. Trong trung hạn, VND vẫn có các yếu tố hỗ trợ nội tại như dòng vốn FDI tích cực, xuất khẩu hồi phục. Đối với áp lực bên ngoài, với việc FED sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2024, áp lực từ DXY sẽ ít hơn so với năm ngoái. “Về tổng thể, chúng tôi cho rằng áp lực tăng USD/VND trong thời gian tới sẽ giảm bớt”, các chuyên gia của BVSC nhấn mạnh.
Trong khi đó, các chuyên gia từ CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Do vậy, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu.
Các chuyên gia VCBS cho rằng, diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,… “Với các áp lực tỷ giá thường trực, VCBS dự báo VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2024”, các chuyên gia VCBS dự báo.
Lạc quan hơn, các chuyên gia đến từ CTCK KBSV giữ nguyên dự báo về tỷ giá trong năm 2024 ở mức tăng 1,5%, đạt 24.600 USD/VND. Tuy nhiên, các chuyên gia của KBSV cũng cảnh báo các áp lực đối với tỷ giá vẫn hiện hữu, như: hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, rủi ro lạm phát của Mỹ có thể tiếp tục làm DXY tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá….