Thị trường trái phiếu bền vững ASEAN+3 vượt xa mức tăng trưởng toàn cầu và khu vực đồng Euro
Thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng Euro.
Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay (ngày 21/3). Báo cáo cho biết, lượng trái phiếu bền vững tại các nền kinh tế này, được gọi chung là ASEAN+3, đạt 798,7 tỉ USD vào cuối năm 2023 và chiếm khoảng 20% tổng lượng trái phiếu bền vững toàn cầu.
ADB cho biết, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng Euro lần lượt đạt 4 nghìn tỉ và 1,5 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2023. Trái phiếu bền vững là công cụ trái phiếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án và chương trình mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, cho biết, lượng phát hành trái phiếu bền vững ở ASEAN chiếm tỷ trọng cao hơn trong nguồn vốn tài trợ bằng đồng nội tệ và tài trợ dài hạn trong năm 2023, nhờ sự tham gia của khu vực công. Sự tham gia của khu vực công không chỉ bổ sung vào nguồn cung trái phiếu bền vững, mà còn đóng vai trò là hình mẫu cho khu vực tư nhân và giúp xác lập tiêu chuẩn định giá trong dài hạn cho những trái phiếu này ở thị trường trong nước.
Các thị trường ASEAN ghi nhận lượng phát hành trái phiếu bền vững ở mức 19,1 tỉ USD trong năm ngoái, chiếm 7,9% tổng lượng phát hành tại thị trường trái phiếu bền vững ASEAN+3, so với mức 2,5% thị phần phát hành trái phiếu chung của thị trường ASEAN trong ASEAN+3.
ASEAN có tỷ lệ tài trợ bằng đồng nội tệ và tài trợ dài hạn cao hơn trong phát hành trái phiếu bền vững, với 80,6% trái phiếu bền vững được phát hành bằng đồng nội tệ và kỳ hạn bình quân gia quyền theo quy mô là 14,7 năm. Con số này vượt trội so với các mức tương ứng là 74,3% và 6,2 năm ở ASEAN+3, cũng như so với mức 88,9% và 8,8 năm ở khu vực đồng Euro.
Các điều kiện tài chính ở khu vực Đông Á mới nổi được cải thiện đôi chút trong thời gian từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024, khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải và hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều tăng trưởng ổn định.
Thị trường chứng khoán gia tăng tại 6 trong số 9 nền kinh tế khu vực, với dòng vốn nước ngoài ròng vào khu vực được ghi nhận đạt tổng cộng 17,4 tỉ USD.
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi tăng 2,5% trong quý cuối cùng của năm 2023 lên 25,2 nghìn tỉ USD. Tổng lượng phát hành trái phiếu giảm 4,8% so với quý trước do hầu hết các chính phủ đã đáp ứng yêu cầu cấp vốn trong những quý trước, trong khi Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động vay của doanh nghiệp giữa bối cảnh triển vọng kinh tế yếu kém.
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam giảm 0,4% so với quý trước do khối lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn. Tổng cộng đã có 360,3 nghìn tỉ đồng (14,8 tỉ USD) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn trong quý cuối cùng của năm 2023, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngừng phát hành tín phiếu vào tháng 11/2023. Dư nợ trái phiếu chính phủ chỉ tăng 2,0% so với quý trước do lượng phát hành giảm, trong khi lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng 6,8% sau đợt sụt giảm trong quý trước.
Lãi suất trái phiếu chính phủ ở Việt Nam giảm ở hầu hết các kỳ hạn trong giai đoạn từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024. Năm 2023, Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn với tổng cộng 150 điểm cơ bản, sau đó duy trì lãi suất ổn định kể từ tháng 7/2023 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.