Apple, Google đồng loạt bị kiện vì độc quyền tại Mỹ và châu Âu
Sau khi Mỹ và EU mở các cuộc điều tra chống độc quyền với các doanh nghiệp công nghệ, đã có hàng loạt các vụ điều tra tương tự trên thế giới.
Các doanh nghiệp công nghệ lớn trên toàn cầu hiện đang đương đầu với thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ khi mà cơ quan chống độc quyền tại cả Mỹ và châu Âu đang cố gắng siết chặt quản lý với hành vi phản cạnh tranh.
Kết quả có thể dẫn đến việc Apple và Google bị chia tách, nếu kịch bản này thực sự xảy ra, đây sẽ là diễn biến quan trọng nhất cho ngành này trong nhiều thập kỷ.
Đặc biệt, diễn biến này trong ngành công nghệ Mỹ có thể khiến cho các cơ quan giám sát quốc gia trên toàn thế giới đưa ra những động thái tương tự.
Sau khi Mỹ và EU mở các cuộc điều tra chống độc quyền với các doanh nghiệp công nghệ, đã có hàng loạt các vụ điều tra tương tự trên thế giới. Từ khi AT&T bị chia tách 40 năm trước, cho đến nay chưa có lần nào các doanh nghiệp đối diện với rủi ro pháp lý lớn đến như vậy.
Phía Google đã bác bỏ mọi cáo buộc từ phía EU, còn đại diện Apple tuyên bố vụ kiện của giới chức Mỹ không dựa trên thực tế và luật pháp.
Cách đây 40 năm, vào năm 1984, Tập đoàn viễn thông AT&T đã bị buộc phải chia tách thành 7 công ty độc lập trong một hệ thống vốn được biết đến với cái tên “Baby Bells” nhằm chấm dứt một trong những hệ thống độc quyền quyền lực nhất thế kỷ 20.
Cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu hiện đang cáo buộc một số doanh nghiệp như Apple và Google về việc đã xây dựng một số hệ sinh thái “không thể xâm nhập” được. Chính vì vậy, khách hàng sử dụng dịch vụ rất khó để chuyển nhà cung cấp.
Vào ngày thứ Tư tuần trước (ngày 20/3), Bộ Tư pháp Mỹ cảnh cáo Apple rằng khả năng chia tách doanh nghiệp có giá trị vốn hóa 2,7 nghìn tỷ USD này hoàn toàn có thể xảy ra như một biện pháp phù hợp để khôi phục sự cạnh tranh trên thị trường.
Bộ Tư pháp Mỹ đã làm việc với khoảng 15 bang trên khắp nước Mỹ nhằm kiện hãng sản xuất điện thoại iPhone này về việc độc quyền trên thị trường điện thoại thông minh, gây tổn hại đến đối thủ và thổi phồng giá bán sản phẩm, dịch vụ.
Ngay cả như vậy, sẽ mất rất nhiều năm để cơ quan quản lý Mỹ có thể xử lý được vụ việc.
Phía châu Âu cũng đang đưa ra những động thái tương tự như Mỹ. Nhóm các doanh nghiệp công nghệ như Apple, Meta Platforms hay Alphabet sẽ bị điều tra vì vi phạm luật thị trường số (DMA), kết quả các doanh nghiệp này sẽ có thể bị phạt rất nặng và bị chia tách vì liên tục phá vỡ quy định.
Giám đốc cơ quan chống độc quyền tại EU, bà Margrethe Vestager, đã từng có biện pháp dọn đường cho các biện pháp cứng rắn từ năm ngoái khi bà cáo buộc Google về những hành vi phản cạnh tranh trong mảng kinh doanh quảng cáo vốn kiếm bộn tiền của doanh nghiệp này.
Bà Vestager nói rằng việc buộc Google phải bán đi một số loại tài sản dường như là biện pháp duy nhất để tránh xung đột lợi ích; ngoài ra để tránh Google có những biện pháp làm lợi riêng cho các dịch vụ quảng cáo số của họ bất chấp quyền lợi của nhiều doanh nghiệp quảng cáo cũng như các nhà phát hành nội dung trực tuyến. Phán quyết cuối cùng của cơ quan chống độc quyền tại EU sẽ có vào cuối năm nay.
Cho đến hiện tại, chưa thể rõ các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu có thể chia tách được các doanh nghiệp công nghệ hay không, hay nhóm các doanh nghiệp này chỉ chịu phạt. Các chuyên gia cho rằng những biện pháp mà cơ quan quản lý từng áp dụng với Microsoft vào năm 1998 sẽ khó áp dụng hơn trong lần này.
“Tại EU, cơ quan quản lý không có truyền thống chia tách một doanh nghiệp, điều này chưa từng xảy ra trước đây”, một quan chức tại EU nhấn mạnh.