Hậu Giang: Dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp chiếm 55%
Xác định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, vì vậy ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tăng cường đưa nguồn vốn tín dụng về khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh của Hậu Giang thì nguồn vốn cho vay lĩnh vực này vẫn còn thấp nên lãnh đạo tỉnh và ngành Ngân hàng đang có giải pháp đẩy mạnh trong năm 2024.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, trong đó phát triển 4 trụ cột kinh tế, là: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng, với mục tiêu dự kiến đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 150 triệu đồng/người/năm, tăng 70 triệu đồng so cuối năm 2023.
Đáng chú ý, Hậu Giang có 140.439 ha đất nông nghiệp (chiếm 86,57% diện tích của tỉnh), trong đó có 78.912 ha sản xuất lúa, hơn 45.800 ha trồng cây ăn trái, 3.286 ha sản xuất mía đường, hơn 11.200 ha nuôi thủy sản. Tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp; du lịch gắn với làng nghề, du lịch xanh, du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang cho biết, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 39.763 tỷ đồng, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì, ưu tiên nguồn vốn, tập trung cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực với nhiều chính sách tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngay từ đầu năm, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn duy trì chiếm tỷ lệ 50 - 55%/tổng dư nợ toàn địa bàn.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang chỉ đạo sát sao các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm trong tỉnh, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển thị trường tín dụng nông thôn theo chiều sâu, mở rộng quy mô tín dụng, như: đa dạng hình thức cho vay và phát triển các sản phẩm tín dụng mới phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Tổ chức tín dụng có vai trò chủ đạo trên địa bàn vẫn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang với mạng lưới rộng khắp, có điểm giao dịch tại các huyện, xã vùng sâu, thông qua đó đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Song song đó, các tổ chức tín dụng luôn liên hệ với các tổ chức địa phương, như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ,… và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương để tuyên truyền, cho vay và thu hồi nợ.
Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu kế hoạch, nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp nói chung, nông nghiệp và các lĩnh vực khác tại địa bàn nông thôn nói riêng sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Thực tế hiện nay, thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hậu Giang, giá trị bình quân vốn cho vay/diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tương đối thấp, khoảng 168 triệu đồng/ha. Điều này cho thấy, ngoài việc nông sản của tỉnh có giá trị không cao, còn xuất hiện nguy cơ người cần vốn không tiếp cận được đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm có giá trị cao.
Để tạo sự đột phá trong hoạt động cho vay phục vụ hoạt động phát triển kinh tế đối với lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch tại địa bàn nông thôn, làm nền tảng, tiền đề để thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế còn lại của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng như Chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Trong đó, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hỗ trợ trong hoạt động vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tại địa bàn nông thôn tỉnh Hậu Giang”, đảm bảo nhân dân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa bàn nông thôn vay đủ vốn với chi phí hợp lý từ các tổ chức tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, nhằm thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch tại địa bàn nông thôn theo Nghị quyết số 04 - NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng, thành lập và có biện pháp giám sát các Tổ liên kết tại từng địa phương, gắn các chỉ tiêu hoạt động cụ thể cho từng Tổ liên kết cũng như chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động của các Tổ liên kết với Ủy ban nhân dân các cấp để tăng cường hỗ trợ hoạt động vay vốn của nhân dân, doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong công tác giám sát vốn vay, xử lý, thu hồi nợ cho vay, nợ xấu trên nguyên tắc lấy việc tiết giảm chi phí trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là cơ sở để tiết giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để người sử dụng vốn vay giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, nhằm gia tăng thu nhập, lợi nhuận, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh cho hàng hóa, dịch vụ của tỉnh; xây dựng các thương hiệu sản phẩm của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch tăng trưởng tín dụng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, then chốt của tỉnh; chuyển đổi số ngành ngân hàng theo các kế hoạch của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nhằm triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hỗ trợ trong hoạt động vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tại địa bàn nông thôn tỉnh Hậu Giang” trong năm 2024, cũng như các năm tiếp theo, ngành Ngân hàng trên địa bàn Hậu Giang không chỉ quan tâm đến việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, mà còn tập trung nguồn vốn tín dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, góp phần hỗ trợ kinh tế địa phương hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn, cũng cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các hiệp hội, ngành nghề trong việc phối hợp triển khai các chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao nhất, nhằm tăng tính liên kết, tạo nền tảng vững chắc để đưa nền sản xuất nhỏ lẻ hiện nay thành nền sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng được xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế...