Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Hoạt động truyền thông chính sách của ngành ngân hàng nói chung, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần có những giải pháp đồng bộ và cách tiếp cận mới để mang lại hiệu quả cao.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác truyền thông, thông tin trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội được cập nhật tức thời, đa dạng và phong phú. Trong đó, những thông tin chính thống, chính xác và chân thực, phản ánh từ thực tế cuộc sống, cùng với khả năng đáp ứng nhanh chóng kịp thời, đã trở thành nguồn lực quan trọng, mang lại hiệu ứng rất lớn và phục vụ tốt cho hoạt động của nền kinh tế từ người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ý nghĩa này, được khai thác và vận dụng để phục vụ cho công tác truyền thông chính sách, đặc biệt đối với ngành ngân hàng, sẽ mang lại những kết quả và hiệu ứng rất lớn, bởi mọi hoạt động của nền kinh tế và của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ đều liên quan đến hoạt động ngân hàng thông qua việc sử dụng vốn và các dịch vụ ngân hàng.
Chính vì lẽ đó, hoạt động truyền thông chính sách của ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần có những giải pháp đồng bộ và cách tiếp cận mới để mang lại hiệu quả cao.
Thứ nhất, truyền thông chính sách, là nhiệm vụ chung, trong đó cơ quan quản lý nhà nước có vai trò quan trọng. Với ý nghĩa nhằm đưa cơ chế chính sách đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả, đồng thời để người dân doanh nghiệp nắm rõ chủ trương chính sách từ đó tiếp cận thuận lợi chính sách cũng như thực hiện tốt chính sách. Tuy nhiên, đối với hoạt động truyền thông chính sách trong lĩnh vực ngân hàng, cần phải được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, với ý thức trách nhiệm của cả hệ thống. Trong đó, các TCTD cần quan tâm đặc biệt, gắn với các hoạt động thông tin, tư vấn, tuyên truyền về sản phẩm dịch vụ ngân hàng để cùng làm tốt hoạt động truyền thông chính sách.
Thứ hai, các TCTD không chỉ là đối tượng thực thi chính sách, mà còn trong vai trò là tổ chức cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng. Trong đó, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng là sản phẩm đặc biệt (gắn liền với tiền tệ). Vì vậy, ngoài ý nghĩa cung cấp tiện ích, lợi ích cho khách hàng, người dân và doanh nghiệp, về mặt bản chất còn gắn liền với các quy định pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế, phòng ngừa rủi ro. Chính vì lẽ đó, công tác truyền thông, thông tin, tư vấn cho khách hàng, kể cả công tác marketing của các TCTD đóng vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động này không chỉ thuần túy thu hút khách hàng cho ngân hàng mà còn phải đảm bảo hỗ trợ, tư vấn và giúp khách hàng nắm rõ dịch vụ, sử dụng dịch vụ hiệu quả và ngăn ngừa rủi ro phát sinh. Điều này càng có ý nghĩa đối với các sản phẩm dịch vụ như: cho vay; gửi tiền; dịch vụ thanh toán, dịch vụ tài khoản…. trong bối cảnh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì yêu cầu về tuân thủ quy trình, quy định cũng như thông tin tư vấn và chăm sóc khách hàng càng cần chú trọng và quan tâm, với ý thức trách nhiệm cao.
Thứ ba, phối hợp đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách, trong đó tăng cường các hoạt động phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp; hội ngành nghề; các sở ngành; ủy ban nhân dân các quận huyện và các tổ chức chính trị để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương chính sách trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; mở rộng thông tin tuyên truyền về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ tài khoản; dịch vụ thẻ; tiền gửi…. không chỉ giúp cho người dân nắm rõ quy định để thực hiện tốt, mà còn giúp người dân chủ động trong công tác phòng ngừa rủi ro và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là loại tội phạm công nghệ cao. Trong đó những thông tin về hình thức tội phạm, lừa đảo; cách thức sử dụng dịch vụ và việc bảo mật thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân… luôn là thông tin cần được phổ biến, thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục. Việc phối hợp thông tin, tuyên truyền thông qua các hội đoàn thể, cấp chính quyền phường xã thì tính phổ cập và lan tỏa thông tin về chính sách về dịch vụ ngân hàng sẽ rộng hơn và hiệu quả hơn.
Hoạt động này cần thực hiện với các hình thức khác nhau, linh hoạt và sáng tạo, trong đó tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động: “ngày không dùng tiền mặt”; “chi trả an sinh xã hội không bằng tiền mặt”; “phòng chống tội phạm ngân hàng”; “ phổ biến kiến thức thẻ ngân hàng”…
Thứ tư, thông qua hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc kết hợp thông tin tuyên truyền, không chỉ đưa cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả mà còn giúp cho ngành ngân hàng thực hiện tốt vai trò cung ứng sản phẩm dịch vụ cho người dân, giúp phòng chống tội phạm và rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh và củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách, đối với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Hoạt động này cần được quán triệt và phối hợp với cơ quan công an các cấp (quận, huyện, phường xã ) để phổ biến, thông tin, tuyên truyền. Trước hết là qua các lớp tập huấn, các hội nghị chuyên đề về tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc cho các TCTD, các hội đoàn thể và người dân, doanh nghiệp.
Với ý nghĩa đó, cần tăng cường hoạt động truyền thông chính sách với cách làm hay, cụ thể và thiết thực, thường xuyên và đồng bộ, với tinh thần trách nhiệm chung, nhằm không chỉ đưa cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ ngân hàng mà còn góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN: ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn trong hoạt động ngân hàng, để tăng trưởng và phát triển bền vững.