Thị trường chênh vênh ở vùng đỉnh 19 tháng
Tâm lý nhà đầu tư chưa hoàn toàn ổn định do đón nhận thêm thông tin về công ty chứng khoán (CTCK) thị phần lớn thứ 3 là VNDIRECT không thể kết nối do bị tấn công. Chuỗi 3 phiên điểm của VN-Index bị ngắt quãng và chấp nhận đóng cửa ngay trên đường MA20.
Định vị thị trường
Các hành động chốt lời vẫn còn tiếp diễn trong phiên đầu tuần khiến nhiều chỉ số chứng khoán châu Á giảm điểm. Các chỉ số NIKKEI 225 (-1,16%), SZI (-1,49%) dẫn đầu về biên độ giảm, kế đến là các chỉ số SET (-0,55%), KOSPI (-0,4%), TWSE (-0,18%).
VN-Index trong khi đó cũng vươn tới vùng đỉnh 19 tháng nên rung lắc hay bất kể yếu tố không bất lợi gì cũng có thể gây ra những tác động tâm lý cho nhà đầu tư. Ở phiên hôm nay, chỉ số đã bị cắt đứt chuỗi 3 phiên tăng điểm với sự kiện đáng chú ý nhất là CTCK VNDIRECT bị tấn công mạng.
Chất xúc tác
Việc hệ thống VNDIRECT bị tấn công đã khiến cho nhà đầu tư tại VNDIRECT không thể giao dịch trong phiên đầu tuần. Trong khi đó, thị phần của VNDIRECT chiếm hơn 7% trong năm 2023.
Có thể, đây là một phần nguyên nhân khiến cho khớp lệnh của HOSE giảm hơn 10% xuống 1,23 tỷ đơn vị. Tuy nhiên, thanh khoản của HOSE vẫn duy trì trên mức bình quân 20 phiên. Qua đó, cho thấy tác động không quá lớn.
Trong khi đó, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là điều thị trường chưa thể thoát ra. HOSE đã bị bán ròng tiếp hơn 540 tỷ đồng, trong khi HNX được mua ròng gần 32 tỷ đồng còn UPCoM nhận được thêm 16,28 tỷ đồng.
Tỷ trọng tham gia của khối ngoại trên HOSE chiếm 6,25% tổng giao dịch 2 chiều toàn HOSE.
Vận động thị trường
Các cổ phiếu nhóm Chứng khoán đều chịu ảnh hưởng theo sự kiện VNDIRECT. Các mã VCI (-3,2%), BSI (-1,9%), HCM (-1,8%), CTS (-2%) thậm chí còn giảm mạnh hơn VND (-1,4%).
Trong khi đó, quy mô giao dịch của VND lại tăng đột biến và đứng đầu toàn HOSE với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Dù vậy, nếu chỉ xét ở góc độ kỹ thuật, vận động của VND chưa vi phạm xu hướng tăng ngắn hạn.
Về xu hướng của cả thị trường, VN-Index đã vươn lên vùng đỉnh 19 tháng với sự hỗ trợ mạnh của nhóm Ngân hàng và phần nào đó từ các cổ phiếu Bất động sản. Tuy nhiên, sau 3 phiên có lực đẩy khá tốt, khoảng trống lại xuất hiện khi nhóm Ngân hàng phải cân đối lại áp lực chốt lời.
Các cổ phiếu Ngân hàng như VIB (-1%), MBB (-1,4%), BID (-2,2%), STB (-2,5%), TCB (-0,2%) đều quay đầu giảm dù đã ghi nhận giá xanh trong phiên. Trong khi đó, GVR (-4,1%), MSN (-3,8%), VRE (-2,4%), PLX (-1,6%), HPG (-1,2%) cũng gặp phải áp lực giảm giá.
Cả rổ VN30 có 25/30 mã giảm giá trong khi đó toàn HOSE có 67% mã giảm giá. Một số mã Bất động sản như HDC (-2,87%), TCH (-1,34%), DXG (-0,76%) là những mã buộc phải đảo chiều trong phiên. LCG (+2,18%), DIG (+0,16%), NLG (+0,46%), HHV (+0,32%)… cùng không giữ được mức giá tốt nhất trong phiên.
Trạng thái thị trường vẫn cho thấy sự chênh vênh ở vùng đỉnh 19 tháng. VN-Index đóng cửa ngay trên đường MA20 dù để giảm 13,94 điểm xuống 1.267,86 điểm (-1,09%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt hơn 29.200 tỷ đồng.
Còn trên HNX và UPCoM, SHS (+1,5%), PVS (+1,04%), DDV (+3,75%) đã trụ lại khá tốt trong phiên đầu tuần. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,36% và tăng 0,15%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.500 tỷ đồng.