Nhìn ra thế giới

Nỗi lo “Gucci” lây lan ra toàn ngành hàng xa xỉ toàn cầu

Đăng Tuấn 26/03/2024 - 08:39

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu xa xỉ khác chứ không chỉ riêng Gucci.

gucci1.jpg
Ảnh: Bloomberg

Nỗi sợ người Trung Quốc giảm mua hàng xa xỉ đã ám ảnh các doanh nghiệp ngành này suốt từ đầu năm 2024 cho đến nay. Trong tuần trước, kết quả kinh doanh yếu kém của thương hiệu Gucci đã khiến cho nhiều người phải lo lắng.

Cổ phiếu của doanh nghiệp Kering SA sở hữu thương hiệu Gucci sụt giảm sâu khiến cho giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này giảm đến 9 tỷ USD. Tuy nhiên, Gucci không phải thương hiệu duy nhất trải qua tình trạng suy giảm này.

Một báo cáo riêng rẽ cho thấy xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ sang Trung Quốc, điểm đến ưa thích của các dòng điện thoại cao cấp, đã giảm sâu trong tháng gần nhất. Theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ hạ nhiệt hơn nữa trong năm nay.

Loạt thông tin mới nhất liên quan đến doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ có thể coi như bằng chứng cho thấy dự báo về việc nhiều người Trung Quốc “mua sắm trả thù” sau khi các biện pháp phong tỏa ngăn dịch COVID-19 được gỡ bỏ đã không xảy ra.

Dù một số doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ bán hàng tốt hơn những doanh nghiệp khác, diễn biến gần đây có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ về việc họ sẽ kinh doanh như thế nào tại Trung Quốc, khởi đầu với Kering.

“Tôi đã không mua túi xách Gucci trong nhiều năm. Các thiết kế mới quá xấu”, cô Wu Xiaofang – nhân viên ngân hàng 34 tuổi tại Thượng Hải cho biết. Cô cũng chia sẻ lần gần nhất cô mua túi xách Gucci là từ năm 2016 trong chuyến du lịch đến Italy.

Cô Wu là đại diện cho những thế hệ người tiêu dùng hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã trở nên ngày một chọn lọc hơn trong tiêu dùng. Thất nghiệp tăng cao và sự suy giảm trên thị trường bất động sản đã gây tổn hại đến niềm tin người tiêu dùng, cùng lúc đó áp lực giảm phát tăng cao không khỏi khiến nhiều người lo ngại về triển vọng trên thị trường tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc.

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu xa xỉ khác chứ không chỉ riêng Gucci. Trong phần lớn thời gian của năm 2023, các thương hiệu hàng hóa chuyên giành cho giới nhà giàu như Rolex, Hermes, Chanel và Louis Vuitton tăng trưởng doanh số đến hai con số thì từ tháng 10 cùng năm, tình hình kinh doanh chững hẳn lại. Cho đến tháng 1/2024, giá cả các loại đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ là loại mặt hàng dễ chịu ảnh hưởng nhất bởi khó khăn kinh tế và niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc suy giảm. Liên đoàn Đồng hồ Thụy Sỹ công bố xuất khẩu đồng hồ cao cấp sang Trung Quốc trong tháng 2/2024 hạ đến 25% so với cùng kỳ năm trước, còn xuất khẩu sang Hồng Kông hạ 19%.

CEO tập đoàn đồng hồ Thụy Sỹ Swatch Group AG vốn sở hữu các thương hiệu lớn như Omega hay Tissot, ông Nick Hayek, chỉ ra: “Thực sự đã có những sự chững lại. Người dân vẫn có tiền, tuy nhiên họ thận trọng hơn rất nhiều trong việc chi tiêu, khi nào tiêu tiền và chi tiêu cách nào”.

Nhiều thương hiệu hàng xa xỉ giờ đã bị đẩy vào tình thế phải cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong năm nay, tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu dự báo sẽ chỉ còn 1 chữ số, theo số liệu của Bain & Co. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ sẽ tập trung chủ yếu vào nhóm cá nhân có tài sản rất lớn, ví dụ như tài sản đầu tư ước tính khoảng 10 triệu nhân dân tệ tức khoảng 1,4 triệu USD trở lên.

Đăng Tuấn