Chứng khoán

Một số cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có kỷ lục giá đóng cửa, thị trường lấy lại sự tích cực

Mai Hương {Ngày xuất bản}

Lo lắng về sự kiện VNDIRECT bị hack hệ thống đã được thị trường phủ nhận trong phiên chiều 26/3. Nhiều nhóm ngành đã tăng tốc cuối phiên như ngân hàng, bất động sản, khu công nghiệp, thép, trong đó ngân hàng tiếp tục là nhóm dẫn dắt với một số mã có giá đóng cửa cao kỷ lục.

screenshot-2024-03-26-160641.png

Định vị thị trường

Sau nhịp bật lên khá mạnh mẽ, chứng khoán châu Á lại có những phiên chốt lời nhẹ đan xen. Một số chỉ số như NIKKEI 225 (-0,04%), TWSE (-0,33%) giảm không đáng kể trong khi đó STI (+1,21%), HSI (+0,88%), KOSPI (+0,71%), SET (+0,31%) vẫn có được sắc xanh.

VN-Index sau khi bị ngắt quãng chuỗi 3 phiên tăng giá do tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng từ sự kiện CTCK VNDIRECT bị tấn công đã nhanh chóng lấy lại niềm tin. Điểm số bị thất thoát đã ngay lập tức được gỡ hết với thành tích tăng 14,35 điểm.

Chất xúc tác

Theo thông tin được VNDIRECT công bố, hệ thống giao dịch có thể được khôi phục trở lại vào ngày 28/3. Ảnh hưởng sự gián đoạn từ VNDIRECT phần nào vẫn có những tác động vào thanh khoản thị trường. Mức khớp lệnh của HOSE có thể sẽ sôi động hơn nếu như nhà đầu tư của CTCK có thể đẩy lệnh vào thị trường. Theo thống kê, khớp lệnh của HOSE đã hụt xuống dưới mức bình quân 20 phiên, đạt 858 triệu đơn vị giao dịch.

3ex-2024-03-26.png

Nhà đầu tư nước ngoài dù vẫn nối dài chuỗi bán ròng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng giao dịch 2 chiều là 8,57%. Giá trị bán ròng của HOSE đạt 175 tỷ đồng, trong đó riêng VND bị bán ròng 395 tỷ đồng.

Với nhà điều hành, hoạt động của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) để ngăn chặn hoạt động đầu cơ ngoại tệ vẫn đang được duy trì. Trong ngày hôm qua, NHNN đã phát hành thêm 7.200 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất hạ xuống mức 1,69%/năm. Như vậy, NHNN nâng mức hút ròng qua tín phiếu lưu hành trên thị trường, lên mức 151.898,8 tỷ đồng.

Vận động thị trường

Trong phiên sáng nay, thị trường chỉ phải chịu một nhịp rung lắc nhẹ ngay từ đầu phiên nhưng VN-Index vẫn bật lên tích cực. Sang đến phiên chiều, chỉ số có thể mở rộng thêm biên độ tăng giá nhờ hiệu ứng của cổ phiếu ngân hàng và các mã lớn khác.

Với nhóm ngân hàng, các mã VPB (+3,7%), HDB (+2,8%), TCB (+2,6%), MBB (+2,2%), VIB (+1,7%), CTG (+1,4%) đã tăng giá khá ấn tượng. Trong đó, VPB là trường hợp đã gây sự ức chế khá lớn cho nhà đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng cũng đã có tín hiệu của dòng tiền đổ vào với khớp lệnh đột biến. Còn HDB và MBB lại ghi dấu ấn với việc đóng cửa cao nhất lịch sử giao dịch.

Rổ VN30 có tới 26/30 mã tăng giá khi đóng cửa. Ngoài ngân hàng, GVR (+6,3%), PLX (+1,6%), VRE (+1,3%) cũng là những cổ phiếu có phản ứng nhanh.

Sự trở lại của GVR đã tiếp sức cho nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, cao su với D2D (+7%), DPR (+7%), KBC (+3,1%), IJC (+1,9%) giao dịch tích cực.

Nhóm bất động sản cũng tiếp nối được những chuyển động tích cực và có chiều hướng lan tỏa rộng hơn sang nhiều mã. Các cổ phiếu QCG, VPH đã tăng trần trong khi TCH (+4,8%), KDH (+4,6%), HPX (+3,6%), NTL (+2,9%), HAR (+3%), HDC (+2,1%)… tiếp tục tạo ra lợi nhuận với nhà đầu tư đã tham gia ở các phiên trước.

Các nhóm chứng khoán, dầu khí, thép, nông nghiệp cũng đều có các cổ phiếu tăng tốt như VIX (+3,7%), VCI (+2,3%), VDS (+2,3%), FTS (+1,8%), PVD (+3%), NKG (+2,77%), HSG (+2,2%).

Kể cả VND (-2,1%) cũng thu hẹp lại đáng kể đà giảm trong phiên giao dịch dù gặp phải áp lực bán ra lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng cộng, toàn HOSE có 63% mã tăng giá, chỉ số VN-Index tăng 14,35 điểm lên 1.282,21 điểm (+1,13%). Tổng khối lượng giao dịch sàn đạt 941 triệu đơn vị, tương đương 21.890 tỷ đồng.

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có thành tích "yếu" hơn, lần lượt tăng 0,5% và 0,12%. Dù vậy, vẫn có một số cổ phiếu như DRI (+13,64%), VEA (+3,57%), VGI (+3,34%) hưởng lợi từ những diễn biến khả quan của HOSE. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.200 tỷ đồng.

Mai Hương