Chuyên gia VPBankS: Con sóng lớn thứ tư mang tên nâng hạng có thể đưa VN-Index lên 1.650 - 1.750 điểm
"Chu kỳ lớn đang diễn ra trong năm nay và năm sau, dự báo VN-Index có thể đạt cao nhất 1.650 – 1.750 điểm khi thị trường được nâng hạng", chuyên gia của VPBankS nhận định.
Chiều ngayf 27/3, tại hội thảo do Chứng khoán VPBankS tổ chức với chủ đề "Chọn danh mục - đón sóng lớn", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS đánh giá sự phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 sẽ là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024. Động lực của tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ tăng trưởng các lĩnh vực bán lẻ, đầu tư công và sự phục hồi của sản xuất - xuất khẩu.
Theo đó, xu hướng lãi suất thấp, chi phí vốn thấp là điều kiện hỗ trợ cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng bán lẻ, tiêu dùng nội địa.
Theo ông Sơn, mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2024 sẽ tiếp tục giảm về mức thấp phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Đây cũng chính là yếu tố giúp cho dòng tiền trên thị trường luân chuyển và tạo ra con sóng tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) bởi khi lãi suất thấp, dòng tiền có thể chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn hơn và chứng khoán chính là một kênh như vậy.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, tỷ giá trong giai đoạn vừa qua đã có biến động khá mạnh, tỷ giá liên ngân hàng biến động và tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái và so với giai đoạn biến động năm 2022. “Theo thống kê của VPBankS, khi tỷ giá biến động quá 3% thường sẽ tác động ngược chiều đến diễn biến của TTCK và gây áp lực bán ròng của nhà đầu tư”, ông Sơn nói.
Trong những giai đoạn thị trường đi lên, có thể xuất hiện bẫy giảm giá
Đi sâu phân tích về triển vọng của TTCK, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS cho rằng thị trường vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ, VN-Index vẫn tiếp tục đi lên ít nhất là hai đến ba năm tới. Ngoài hai yếu tố là nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng phục hồi, câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng sẽ tác động tích cực đến TTCK.
"Chúng tôi cho rằng, với bối cảnh hiện tại thì thị trường đang trong giai đoạn phản ứng bởi đây là thời kỳ đầu nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, giá tài sản bắt đầu phục hồi trở lại, lợi suất bắt đầu phục hồi đi lên, mặt bằng lạm phát duy trì ở mức thấp và ổn định”, ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Sơn lưu ý trong những giai đoạn đi lên của thị trường, nhà đầu tư cần thận trọng bởi có thể xuất hiện bẫy giảm giá. Các nhịp điều chỉnh sâu là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và mua vào cho chu kỳ tăng trưởng nóng hơn khi có sự tham gia của công chúng trong giai đoạn đầu cơ xuất hiện.
Về dòng tiền, ông Sơn cho biết, thanh khoản tăng mạnh trở lại, nếu như đầu năm 2023 ở quanh 13.000 - 14.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch đã tăng mạnh về cuối năm và đạt trung bình gần 18.000 tỷ đồng. Sang đến năm 2024, thị trường liên tiếp xuất hiện những phiên giao dịch đạt trên 1 tỷ USD, thậm chí lên gần 2 tỷ USD. Điều đó cho thấy thị trường đang ở giai đoạn mới về thanh khoản, niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại, những tuần gần đây tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Cùng với thanh khoản tăng, tiền gửi của nhà đầu tư liên tục tăng lên trong quý I, II, III và đặc biệt trong quý IV/2023. Xu hướng cho thấy niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tạo đà cho TTCK tăng trưởng một cách bền vững.
Để TTCK đi lên một cách bền vững, ông Sơn cho rằng điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp phải lấy lại đà tăng trưởng về lợi nhuận. Thống kê cho thấy trong năm 2023 doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đều đã chạm đáy, phục hồi dần vào cuối năm 2023 và ngày càng rõ rệt hơn trong đầu năm 2024.
Tuy nhiên, xu hướng phục hồi về lợi nhuận lại đang cho thấy có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, tập trung sớm nhất ở nhóm chứng khoán, công nghệ thông tin, ngân hàng và đang chững lại ở nhóm bất động sản. Dù vậy tăng trưởng lợi nhuận của nhóm bất động sản đến quý IV/2023 đã có tín hiệu phục hồi. Đây sẽ là tín hiệu cho thấy rất nhiều nhóm ngành, trong đó có bất động sản có thể tăng trưởng trở lại.
Nâng hạng là yếu tố giúp VN-Index bước vào con sóng lớn thứ tư
Về định giá thị trường, chuyên gia VPBankS cho biết, sau khi lên mức P/E 17,x lần tại vùng đỉnh tháng 9/2023, VN-Index đã điều chỉnh trở lại và định giá đã về mức hấp dẫn hơn khi đang giao dịch ở mức 15,4x lần thấp hơn mức trung bình 10 năm ở 16,6 lần. Với dự báo lợi nhuận 2024 sẽ tiếp tục phục hồi, mức định giá hiện tại của thị trường vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại.
Dự báo về TTCK năm 2024 theo yếu tố thanh khoản, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng giai đoạn 2021-2023 VN-Index ở một giai đoạn thanh khoản rất khác với giai đoạn trước và đến giai đoạn 2024 thanh khoản tiếp tục duy trì đi lên. Với dự báo thanh khoản năm 2024 ở mức trung bình khoảng 23.000 tỷ đồng, mức cao nhất gần 33.000 tỷ đồng và mức thấp nhất khoảng 18.000 tỷ đồng thì VN-Index có thể đạt quanh ngưỡng 1.322 – 1.350 điểm.
Còn trong một kịch bản lạc quan hơn, thanh khoản trung bình đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, thì VN-Index có thể vào một con sóng rất lớn bởi lịch sử cho thấy mỗi lần thanh khoản tăng cao thì thị trường thường có nhịp tăng cực kỳ mạnh.
"Chúng tôi vẫn đang nghiêng về kịch bản VN-Index năm 2024 tăng trong khoảng 1.322 – 1.350 điểm và sẽ vẫn có những nhịp điều chỉnh đan xen để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và có điểm mua vào", ông Sơn nói.
Trong kịch bản thị trường được nâng hạng, chuyên gia VPBanks nhận định đây có thể là yếu tố giúp TTCK Việt Nam bước vào con sóng lớn thứ tư. Ba sóng lớn trước đó gồm sóng WTO (năm 2007 – 2008), sóng thoái vốn (năm 2016 - 2017), sóng tiền rẻ do dịch COVID-19 (năm 2021 - 2022), và sóng thứ tư là sóng nâng hạng thị trường.
Chuyên gia của VPBanks cho biết tham chiếu ở nhiều thị trường khác, trước khi được nâng hạng trong khoảng hai năm, các chỉ số ở các thị trường này thường tăng khoảng 40 - 50%. Vì vậy, nếu TTCK Việt Nam thực sự được nâng hạng, trong khoảng hai năm tới VN-Index sẽ có thể vượt qua vùng đỉnh lịch sử 2021 - 2022 và đi lên một vùng cao mới, có thể là đạt cao nhất 1.650 – 1.750 điểm.
Dựa trên những phân tích về diễn biến của VN-Index, chuyên gia VPBankS đã đưa ra 9 cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ việc nâng hạng gồm VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC và SSI. Đây là những cổ phiếu vốn hóa lớn và có khả năng bứt tốc nhanh khi dòng vốn chủ động và thụ động cùng tham gia mua trên thị trường, bao gồm cả dòng tiền đầu cơ.
Theo chuyên gia VPBankS nhà đầu tư có thể xem xét danh mục 9 cổ phiếu này để đầu tư trung và dài hạn với kỳ vọng gắn với câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Còn trong ngắn hạn, chuyên gia VPBankS khuyến nghị nhà đầu tư nên chú ý đến câu chuyện tăng trưởng của một số nhóm ngành như bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, ngành thép, chứng khoán và ngân hàng.