Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng làm tốt vai trò cầu nối vốn tín dụng phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre

ThS. Trần Trọng Triết 28/03/2024 09:33

Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối bảo đảm an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

huong-dan-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-cac-trung-tam-thuong-mai-tren-dia-ban-tp.-ben-tre..jpg
Ngân hàng làm tốt vai trò cầu nối vốn tín dụng phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre

Làm tốt cầu nối vốn tín dụng

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình theo Kế hoạch số 2932/KH-UBND ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động doanh nghiệp tham gia chương trình.

Tập trung năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chú trọng công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng để doanh nghiệp đủ nguồn lực tài chính đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sạch, xanh.

Ông Lê Công Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre cho biết, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh huy động vốn địa phương để đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay các thành phần kinh tế trên địa bàn.

Kết quả đến nay, huy động vốn đạt hơn 56.084 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 61.546 tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng (chiếm khoảng 73%), trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 70%, tín dụng doanh nghiệp chiếm 24%.

Đáng chú ý, tín dụng ngân hàng trên địa bàn tập trung cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế địa phương (tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 5,16%, lần đầu tiên đạt cao hơn mức bình quân cả nước 5,05%, quy mô GRDP của tỉnh Bến Tre đứng thứ 11/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó dư nợ tín dụng xếp thứ 7/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long).

Cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế của tỉnh, tập trung vào các nhu cầu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và tiêu dùng (khoảng 90% tổng dư nợ toàn ngành), dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát, chiếm 8,5%/tổng dư nợ, nợ xấu có tăng nhưng chiếm tỷ lệ thấp, chiếm 1,4% tổng dư nợ.

Còn Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre Phan Minh Châu, với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước sở hữu 100% vốn có quy mô hoạt động lớn nhất địa bàn tỉnh, hệ thống mạng lưới gồm 1 Hội sở, 10 Chi nhánh trực thuộc trên địa bàn thành phố Bến Tre và các huyện, 18 phòng giao dịch liên xã; chiếm trên 30% thị phần huy động vốn và đầu tư tín dụng và là đơn vị đóng vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.

Hoạt động của Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre luôn bám sát vào định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến thời điểm hiện tại, Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre là chi nhánh đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về quy mô nguồn vốn và thu dịch vụ, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về quy mô dư nợ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã từng bước hiện đại hóa, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng trên nền tảng công nghệ mới.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng cho biết, thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng 31% về số lượng và 43% về giá trị so với năm 2023 nhờ các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, giải pháp xây dựng mô hình “Tuyến phố không tiền mặt”, một trong những giải pháp đột phá được triển khai một cách đồng bộ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện mô hình thí điểm TTKDTM đã hoàn thành tại TP. Bến Tre làm cơ sở để nhân rộng tại các địa phương còn lại trong tỉnh.

Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện truyền thông về chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, lợi ích của việc sử dụng các phương thức TTKDTM, những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới và các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tội phạm công nghệ cao. Tích cực tư vấn, tiếp thị, hướng dẫn, thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ. Qua đó, hỗ trợ người dân trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tránh được những tổn thất.

Toàn tỉnh hiện có 5 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 14 ngân hàng thương mại cổ phần (1 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập mới và đi vào hoạt động từ tháng 10/2023), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP), 8 quỹ tín dụng nhân dân, 70 phòng giao dịch, 159 ATM, 897 POS điện tử, mã QR, ATM, POS... được ứng dụng mạnh mẽ.

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 1 triệu tài khoản được mở. Trong đó, có 16% tài khoản được mở bằng phương thức điện tử, 29.900 điểm chấp nhận TTKDTM (tăng 236% so với đầu năm). Các sản phẩm tài chính, dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, phục vụ tốt cho nhu cầu cho các cá nhân, tổ chức.

Qua đó, TTKDTM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bình quân mỗi năm tăng 31%/năm về số lượng và tăng 43%/năm về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng bình quân 31%/năm về số lượng và tăng 54%/năm về giá trị; giao dịch qua kênh Internet tăng bình quân 54%/năm về số lượng và tăng 34%/năm về giá trị...

Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng đạt kết quả tích cực như 100% cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh công lập trên địa bàn thành phố chấp nhận thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt, thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản, mã thanh toán QR, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động. Có 81,3% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM, trong đó, 49% số người hưởng lương hưu, 98% trợ cấp bảo hiểm xã hội, 97% trợ cấp thất nghiệp được chi trả qua tài khoản.

Tuyến đường đại lộ Đồng Khởi và một phần đường Nguyễn Đình Chiểu với hơn 85% cơ sở kinh doanh trên tuyến phố chấp nhận các phương thức TTKDTM.

Công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành Ngân hàng trong thời gian qua cũng có nhiều mặt nổi trội, mô hình mới: “Tuyến phố không tiền mặt”, nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích được triển khai tạo tính lan tỏa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hướng tới, ngành Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động, phát triển TTKDTM.

Trên cơ sở những mô hình đã có tại một số địa phương, tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao tỷ lệ không dùng tiền mặt trong thanh toán, thúc đẩy TTKDTM trong chi trả an sinh xã hội, các dịch vụ công như thanh toán thuế, phí, lệ phí… để hướng tới xây dựng một xã hội hiện đại, không dùng tiền mặt gắn với an toàn, bảo mật, bảo vệ người sử dụng dịch vụ một cách có trách nhiệm.

ThS. Trần Trọng Triết