ĐHĐCĐ FPTS: Giá cổ phiếu tăng mạnh nhờ kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào triển vọng thị trường chứng khoán
Chủ tịch HĐQT của CTCK FPT (FPTS) cho rằng giá cổ phiếu tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua đến chủ yếu đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào các câu chuyện nâng hạng, hệ thống giao dịch mới giúp thanh khoản thị trường tăng lên.
Chiều ngày 28/3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của CTCK FPT (FPTS) đã được tổ chức tại Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT đưa ra kế hoạch doanh thu hoạt động và hoạt động tài chính 845 tỷ đồng, giảm 8,29% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, giảm 17,65% so với năm 2023. Số lượng nhân viên của FPTS sẽ được tăng lên 540 người, số tài khoản khách hàng tăng 8,58% lên 236.000.
Trong năm 2023, dù gặp phải cạnh tranh lớn, FPTS vẫn duy trì thị phần trong Top 10 của HOSE, HNX và thị trường phái sinh. Doanh thu thực hiện năm 2023 của FPTS đạt 921 tỷ đồng, giảm 12%. Lợi nhuận trước thuế đã thực hiện 510 tỷ đồng, giảm 20% so với 2022.
Đại hội đã thông qua việc chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương 107,28 tỷ đồng. Cùng với đó, FPTS sẽ triển khai chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10:4, tương đương 85,82 triệu cổ phiếu và phát hành ESOP 5,53 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Về thành viên HĐQT, đại hội cũng thông qua miễn nhiệm ông Taro Ueno, và thay thế bằng ông Kenji Nakanishi.
Tại ĐHĐCĐ, đại diện lãnh đạo công ty cũng đã có những trao đổi, giải đáp thẳng thắn nhiều câu hỏi của cổ đông:
Câu hỏi: Công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng thị phần nhưng kế hoạch doanh thu giảm?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT: Xu hướng chung của ngành là giảm phí giao dịch, lãi suất giảm do thị trường cạnh tranh, nhiều CTCK áp dụng zero fee. FPTS xác định là xu hướng chung không thể đi ngược. Vì vậy, FPTS cố gắng đưa các sản phẩm mới, phấn đấu thị phần cao hơn.
Câu hỏi: Công ty đã triển khai ESOP 2 năm trước và tiếp tục triển khai trong năm 2024, định hướng của ban lãnh đạo là gì?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT: Các CTCK trong ngành cạnh tranh khốc liệt bằng thu hút khách hàng, thị phần, phí, lãi suất. Thêm nữa đó là cạnh tranh về vấn đề nhân sự, thu hút nhân lực tài năng của đối thủ qua lương và chính sách. Rõ ràng, trong bối cảnh như vậy, để giữ người lao động tốt, FPTS cần có chính sách để khuyến khích nhân sự.
Chính sách ESOP đã được nhiều công ty áp dụng để giữ người lao động và hài hòa lợi ích cổ đông. Yếu tố con người là rất quan trọng nên FPTS cần thực hiện ESOP
Câu hỏi: Đóng góp của các cổ đông lớn được thể hiện qua những dấu ấn gì?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT: Dấu ấn của cổ đông lớn SBI được thể hiện qua việc hỗ trợ FPTS và Công ty cũng học hỏi kinh nghiệm và thu hút thêm nhiều khách hàng. Trong khi đó, cổ đông FPT là sự hỗ trợ về công nghệ.
Câu hỏi: 6 tháng qua FTS là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong ngành Chứng khoán. Ông có đánh giá gì về đà tăng của cổ phiếu, diễn biến đã phản ánh hết nội tại doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT: Theo tôi, lý do giúp giá cổ phiếu tăng mạnh là do nhà đầu tư kỳ vọng vào tăng trưởng chung của TTCK trong tương lai với các câu chuyện nâng hạng, hệ thống giao dịch mới sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng thêm.
Miếng bánh thị trường vẫn có thể nở to và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Nhà đầu tư kỳ vọng nhiều nhưng lượng cổ phiếu lưu thông của FTS không nhiều. Dù vậy, công ty không định giá cổ phiếu của chính mình.
Câu hỏi: Nhiều CTCK đang triển khai mạnh hoạt động tăng vốn mạnh chuẩn bị cho nâng hạng thị trường và hệ thống KRX. Tại sao FTS không phát hành cổ phần tăng vốn chủ sở hữu?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT: Đương nhiên, vốn lớn là lợi thế cung cấp margin cho nhà đầu tư. Nhưng việc tăng vốn ngoài các lợi thế cũng có rủi ro nhất định. Giả dụ FPTS tăng vốn lên 10.000- 15.000 nghìn tỷ đồng, Công ty sẽ gặp áp lực đảm bảo về tự doanh để đảm bảo EPS cho cổ đông.
Vì việc chia cổ tức tiền mặt 5% và phần còn lại giữ tăng vốn sẽ tối ưu hóa vốn. Cùng với kết hợp vốn vay để vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Vì vậy, tăng vốn qua phát hành mới chưa phải cách hay.
Câu hỏi: Công ty vay và sử dụng nguồn vốn vay như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng: Các tổ chức tín dụng xếp hạng FPTS tín nhiệm cao cùng với hạn mức cao. Mức lãi suất được vay thấp thể hiện vị thế của Công ty, chỉ trong khoảng 3,6%-6%.
Hiện không nhiều CTCK vay được lãi suất thấp như vậy. Nên đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp hoạt động kinh doanh nguồn hiệu quả và đảm bảo khả năng cho vay margin của FPTS.
Công ty chủ yếu dùng nguồn vốn tín dụng vào hoạt động cho vay margin và đã xây dựng chính sách cho vay với những giới hạn tỷ lệ cho vay khách hàng và từng mã chứng khoán. Ngoài đáp ứng quy định của cơ quan quản lý, công ty cũng tính toán đảm bảo tỷ lệ an toàn cho FTS.
Trong năm 2023, dù thị trường có thời điểm giảm mạnh nhưng không phát sinh nợ xấu trong tổng dư nợ vay khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, FPTS không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ phân bổ vào trái phiếu của các ngân hàng Big 4 và trái phiếu Chính phủ.
Câu hỏi: Khi nào Công ty hiện thực hóa khoản đầu tư MSH?
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng: MSH vẫn chia cổ tức đều với tỷ lệ cao. Doanh nghiệp cho thấy hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững nên FPTS vẫn tiếp tục nắm giữ và cổ đông dài hạn. Công ty sẽ hiện thực hóa khi đánh giá cổ phiếu MSH được phản ánh hợp lý.
Câu hỏi: Rủi ro tấn công hệ thống công nghệ được công ty đánh giá như thế nào và lợi thế FPTS là gì?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT: Trong thế giới công nghệ, các CTCK và các ngân hàng luôn phải chịu rủi ro tấn công hệ thống. Không phải bây giờ khi xảy ra các sự cố với công ty trong ngành, công ty mới chuẩn bị.
Công ty luôn xác định rủi ro thường trực với bất kỳ một công ty nào trong đó có FPTS. FPTS đã đầu tư thích đáng công nghệ, rà soát rủi ro tấn công hệ thống để xác định lỗ hổng có thể xảy ra.
Đồng thời, bảo trì, cập nhật hệ thống mới nhất phần mềm cùng các phần mềm phòng chống virus, tường lửa giúp cấu trúc hệ thống để đảm bảo an toàn.