Tín dụng chính sách chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở tỉnh Trà Vinh
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, những năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực mang nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương. Nhờ đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới ở vùng đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số người Khmer còn nhiều khó khăn.
Kết quả thống kê từ ngành chức năng tỉnh Trà Vinh cho thấy, trong 2 năm (2022-2023), toàn tỉnh giảm được 2,18% tỷ lệ hộ nghèo, vượt 1,18% so với chỉ tiêu Trung ương giao.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký ban hành Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 22/1/2024, về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, toàn tỉnh còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng số hộ dân (hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số người Khmer 1.827 hộ, chiếm 2,03% so với tổng số hộ Khmer); 6.773 hộ cận nghèo, chiếm 2,35% so với tổng số hộ dân (hộ cận nghèo dân tộc Khmer 2.926 hộ, chiếm 3,25% so với tổng số hộ dân tộc Khmer).
Kết quả này là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân; trong đó có sự đóng góp tích cực và tác động hiệu quả từ hoạt động của các tổ chức đoàn thể, thông qua nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH tỉnh Trà Vinh..
Ông Dương Huy Phong, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Trà Vinh cho biết: đến nay, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 4.413 tỷ đồng, tăng 20,93% so với đầu năm. Trong đó: nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 3.532 tỷ đồng, tăng 569 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 80,02% tổng nguồn vốn; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 478 tỷ đồng, tăng 144 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 10,84%/tổng nguồn vốn.
Riêng nguồn vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng có số dư đạt 405 tỷ đồng, chiếm 9,14%/tổng nguồn vốn. Trong đó: huy động từ các tổ chức và cá nhân đạt 224 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so với đầu năm; huy động qua tổ tiết kiệm và vay vốn số dư đạt 180 tỷ đồng.
Từ nguồn tín dụng chính sách, các tổ chức đoàn thể đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia giảm nghèo. Nhờ chủ động bám sát theo chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương, tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHCSXH phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Doanh số cho vay đạt 1.355 tỷ đồng, tăng 157 tỷ đồng, với 37.455 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Phát huy vai trò của đoàn thể, nguồn vốn ủy thác đã giúp cơ sở tham gia giảm nghèo hiệu quả, được đánh giá cao, đồng thuận của nhân dân
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống NHCSXH, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.409 tỷ đồng, tăng 767 tỷ đồng. Dư nợ bình quân 34 triệu đồng/hộ (tăng 11 triệu đồng/hộ).
Đáng chú ý, tổng dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể đạt 4.296 tỷ đồng, tăng 717 tỷ đồng, chiếm 97,44%/tổng dư nợ; trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ chiếm 44,95%; Hội Nông dân chiếm 31,03%; Hội Cựu chiến binh chiếm 12,43%; Đoàn Thanh niên chiếm 11,59%.
Điển hình là nông dân Thạch Đoàn, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh khá lên nhờ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH 10 triệu đồng đầu tư vào trồng màu trên đất lúa kém hiệu quả. Ông Đoàn chia sẻ: “do hoàn cảnh nghèo, quanh năm sống nhờ làm thuê và được nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn, nhà ở gia đình ông cần cù lao động từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá”.
Ông Đoàn cho biết, 7 năm gần đây, ông chuyển 0,3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt chỉ thiên, cà tím, khổ qua đã giúp lợi nhuận cao gấp 4-5 lần so với cây lúa. Ban đầu ông chuyển đổi 1.000 m2 trồng màu các loại xoay vòng 3 - 4 vụ/năm, lợi nhuận bình quân 8 - 10 triệu đồng/1.000m2. Sau đó, ông chuyển hết diện tích lúa của gia đình 0,3 ha sang trồng màu.
Bên cạnh đó, vào mùa khô ông thuê gần 0,2 ha đất trồng màu thêm để tránh tình trạng dội hàng. Nhờ chí thú làm ăn, dám nghĩ dám làm nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Khi tích lũy được vốn ông đầu tư mua máy cày để tăng thêm thu nhập. Cùng với đó, địa phương tạo điều kiện vay vốn trên 10 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Đoàn cho biết thêm: mỗi vụ lúa ông nhận cày thuê khoảng 20 ha, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Ngoài việc đi cày thuê, ông tập trung chăm sóc 0,3 ha màu. Hiện nay ông đang trồng khổ qua.
Với những kết quả đạt được, trong năm 2024, hệ thống NHCSXH tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, quan tâm kiện toàn ban quản lý đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trung bình; rà soát, sắp xếp tổ tiết kiệm và vay vốn theo cụm dân cư liền kề; nâng cao chất lượng họp bình xét cho vay tại tổ và đôn đốc, giám sát tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, lãi theo quy định.
Đồng thời, duy trì 100% xã xếp loại tốt; đến cuối năm 2024, cả 4 hội đoàn thể cấp huyện không có nợ quá hạn... Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ năm 2024. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch NHCSXH thực hiện các Phong trào thi đua: “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện phong trào thi đua “Trà Vinh cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, đến cuối năm 2023, tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 85,05 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,88%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn đạt 93,2%…
Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đều hoàn thành đạt và vượt: duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 3 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, 10 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tổng số toàn tỉnh có 85/85 xã đạt nông thôn mới, có 27 xã nông thôn mới nâng cao (trong đó 11 xã đạt công nhận theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025), 3 xã kiểu mẫu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Cầu Kè, Tiểu Cần đạt huyện nông thôn mới nâng cao, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 5/8 tiêu chí tỉnh nông thôn mới.