CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước
CPI tháng 3/2024 giảm so với tháng trước chủ yếu do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tháng 3/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,23% so với tháng trước, tăng 1,12% so với tháng 12/2023 và tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức 0,76% (tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực giảm 0,42% ; thực phẩm giảm 1,19% (tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Kế đến là nhóm giáo dục giảm 0,29%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,34%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng ghi nhận mức giảm 0,12% do nhu cầu mua sắm, du xuân sau Tết Nguyên đán giảm.
Nhóm giao thông giảm 0,03%, trong đó, chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 5,76%, chủ yếu do nhu cầu giảm sau dịp Tết Nguyên đán; chỉ số giá xăng tăng 0,72%; chỉ số giá dầu diezen giảm 1,15% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; dịch vụ rửa xe, bơm xe giảm 0,8%; dịch vụ trông giữ xe giảm 0,09%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,36%.
Các nhóm: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; bưu chính, viễn thông cũng lần lượt giảm 0,07%, 0,06% và 0,01%.
Ở chiều tăng giá, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với mức tăng 0,29%, trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,15% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%, chủ yếu do giá cát tăng khi thiếu nguồn cung; giá điện sinh hoạt tăng 0,47%, nước sinh hoạt tăng 2,1% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá gas tăng 0,49%...
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,08% chủ yếu do một số mặt hàng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, chống viêm, thuốc dùng cho đường hô hấp tăng giá khi thời tiết chuyển mùa nồm ẩm tại một số địa phương miền Bắc.
Hai nhóm còn lại là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng lần lượt tăng nhẹ 0,01% và 0,06%.
Tính chung cả quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Giáo dục tăng 9,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,40%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,53%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; giao thông tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,21%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 1,46%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Đánh giá về mức lạm phát của tháng 3 và quý I/2024, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, mặc dù lạm phát trong tầm kiểm soát nhưng vẫn phải lưu ý đến áp lực lạm phát thời gian tới. Áp lực này cần nhìn nhận từ hai yếu tố là áp lực bên ngoài và nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Áp lực bên ngoài là dù lạm phát thế giới có xu hướng hạ nhiệt song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể tạo nên cú sốc cho lạm phát.
Trong nước, giá lương thực có xu hướng tăng, nhất là giá gạo, hiện nhu cầu xuất khẩu gạo vẫn cao khiến giá gạo tăng lên. Ngoài ra, giá điện có khả năng tăng tiếp, khi chỉ số giá điện tăng 10% tác động làm CPI tăng 0,33%. Trong năm 2024 nhu cầu điện sản xuất tiêu dùng vẫn tăng lên, khó tránh việc EVN tăng giá điện.
Bên cạnh đó, giá xăng cũng có xu hướng tăng lên, nếu giá xăng tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,36%.
Ngoài ra, áp lực tăng lương từ ngày 1/7/2024 cũng gia tăng kỳ vọng lạm phát, kéo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng lên.
Trên cơ sở đó, bà Oanh cho biết, Tổng cục Thống kê đã xây dựng 3 kịch bản dự báo lạm phát cho năm 2024 tương ứng với tốc độ tăng của CPI.
Ở kịch bản 1, dự báo lạm phát dựa trên dự báo CPI cả năm 2024 tăng 3,8%, thì lạm phát sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm. Ở kịch bản 2 và 3, với dự báo CPI tăng lần lượt là 4,2% và 4,5% thì lạm phát sẽ tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý IV/2024.
Do đó, để có thể kiểm soát lạm phát năm 2024 trong mục tiêu, lãnh đạo Vụ Thống kê giá khuyến nghị, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giá như điện, y tế, giáo dục,... cần phải căn cứ vào tình hình thực tế, từ số liệu của các bộ, ngành nhà nước có thể lựa chọn mức điều chỉnh phù hợp, đảm bảo việc thực hiện điều chỉnh đồng bộ và chọn thời điểm điều chỉnh thích hợp. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo việc cung ứng điện để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo Vụ Thống kê giá cũng lưu ý phải theo dõi biến động của thị trường hàng hóa thế giới đồng thời, theo dõi sát diễn biến các mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, xăng dầu, gas,.. đảm bảo có sự điều hành cho phù hợp, bình ổn giá cả, xử lý nghiêm trường hợp găm hàng, thổi giá,...
Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách vĩ mô khác.