Doanh nghiệp Đức muốn đầu tư tại Việt Nam
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu của doanh nghiệp Đức trong xu hướng bảo hộ thương mại và gia tăng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Khoảng 20% doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động sản xuất tại thị trường này từ năm 1993 đến nay.
Nhiều rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế
Kết quả khảo sát doanh nghiệp Đức với chủ đề “Going International 2024” vừa được Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) công bố cho thấy, các doanh nghiệp Đức đang ngày càng phải đối mặt với các rào cản thương mại trong hoạt động kinh doanh quốc tế của họ.
Trước xu hướng đáng báo động này, DIHK kêu gọi giảm bớt các rào cản thương mại và cam kết nhiều hơn nữa trong việc ký kết các hiệp định thương mại.
Chủ tịch của DIHK ông Peter Adrian cho biết: “Các doanh nghiệp Đức đang gặp phải trở ngại tại nhiều thị trường nước ngoài quan trọng. Điều này cản trở mức tăng trưởng xuất khẩu đang rất cần thiết với DN trong bối cảnh nhu cầu trong nước sụt giảm đáng kể. Giá năng lượng cao cũng là một gánh nặng. Cuối cùng, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, khiến hoạt động kinh doanh quốc tế trở nên phức tạp. Các doanh nghiệp Đức có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong tương lai.”
Kết qủa khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp Đức ngày càng phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại trong hoạt động kinh doanh quốc tế của họ khi 61% công ty – tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khảo sát đầu tiên về rào cản thương mại vào năm 2012 của DIHK - đã ghi nhận sự gia tăng các rào cản thương mại ở hoạt động kinh doanh quốc tế của họ trong 12 tháng qua.
Các doanh nghiệp cũng đồng thời gặp khó khăn với các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu và đặc biệt là các yêu cầu bảo mật chặt chẽ hơn thương mại xuyên biên giới. Thêm vào đó là các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là trong kinh doanh với phía Nga, sự không minh bạch, thuế hải quan cao hơn và các quy định về yêu cầu hàm lượng nội địa (LCR).
Bên cạnh những thách thức ở thị trường nước ngoài, những trở ngại ngay tại thị trường Đức cũng ngày càng gia tăng lhi 81% doanh nghiệp báo cáo những thách thức gặp phải là ở trong nước khi kinh doanh quốc tế.
Trong số này, 60% phàn nàn về những rào cản quan liêu và sự không chắc chắn trong việc thực thi các quy định như cơ chế điều chỉnh biên giới CO2 của EU CBAM hoặc Luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG).
57% gặp vấn đề trong quá trình xử lý hoạt động kinh doanh nước ngoài của họ, chẳng hạn như do thời gian phê duyệt kéo dài tại Văn phòng Kinh tế và Kiểm soát Xuất khẩu Liên bang (BAFA) hoặc thủ tục thông quan phức tạp.
Các doanh nghiệp Đức hiện đang được hưởng lợi rất ít từ mức tăng trưởng khiêm tốn của nền kinh tế toàn cầu. Họ tiếp tục đánh giá tiêu cực kỳ vọng xuất khẩu trong năm nay. 26% công ty dự đoán hoạt động kinh doanh tại nước ngoài sẽ suy giảm trong năm nay, chỉ có 13% mong đợi sự cải thiện.
Cơ hội và tiềm năng
Trong khi đó, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), các doanh nghiệp Đức có cái nhìn khả quan hơn so với các khu vực khác khi 65% doanh nghiệp đánh giá thị trường sẽ giữ vững ổn định và 15% dự đoán sẽ có sự cải thiện tích cực.
Ngoài ra, tình hình kinh doanh hiện tại không bi quan như các khu vực khác trên thế giới, khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp. Ví dụ, một số doanh nghiệp Đức hoạt động ở Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới nhà cung cấp hoặc xây dựng cơ sở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo “Chiến lược Trung Quốc +1".
Sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc cùng các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, chẳng hạn như yêu cầu nội địa hóa, đã đặt ra những thách thức đối với thương mại song phương Đức – Trung Quốc.
Tại Việt Nam, lũy kế đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư 463 dự án, với tổng vốn đăng ký lên tới gần 2,7 tỷ USD, đứng thứ 17 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, hơn một nửa tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và rải rác tại 33 tỉnh thành khác tại Việt Nam.
Trong số khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam thì có tới hơn 100 doanh nghiệp đã và đang tiến hành các hoạt động sản xuất tại thị trường này từ năm 1993 đến nay.
“Điều này không chỉ phản ánh niềm tin của các doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam mà còn cho thấy Việt Nam đang trở thành một điểm đến hứa hẹn cho các doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô tại khu vực châu Á…”- ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định.
Ông Marko Walde cũng cho biết thêm, từ sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Đức đã được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan và thuận lợi trong hoạt động nhập khẩu hay thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
“Xuyên suốt EVFTA là các cam kết của cả Việt Nam và EU nhằm hướng tới tự do và minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Về phía Việt Nam, các cam kết này đã và đang giúp cho môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư Đức", ông Marko Walde khẳng định.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 25/ 1 đến ngày 11/ 2/2024 với sự hỗ trợ của 79 phòng công nghiệp và thương mại (IHK) ở Đức và sự tham gia của gần 2.400 doanh nghiệp có trụ sở tại Đức và hoạt động ở nước ngoài.