DOC công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador
Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam - 3 trong số 4 nguồn cung tôm lớn nhất vào Mỹ, có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp sơ bộ ngay cuối tuần này, dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%. Indonesia, nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho Mỹ, nhận được quyết định sơ bộ không có trợ cấp, theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 26/3/2024.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã bắt đầu triệu tập danh sách các nhà xuất khẩu và những người đề xuất áp dụng mức thuế mà họ đã xác định - trong khi chờ điều tra đầy đủ - rằng có khả năng ba trong số bốn quốc gia bị nhắm tới đang hỗ trợ các chương trình trợ cấp cho phép họ đưa ra mức giá thấp giả tại thị trường Hoa Kỳ, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một doanh nghiệp Việt Nam chịu thuế chống trợ cấp sơ bộ lên đến 196,81%
Mức thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ áp dụng cho 3 nước Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%. Đối với Việt Nam, mức thuế sơ bộ của DOC tính cho Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng là 2,84%, Công ty Thông Thuận là 196,81% (dựa trên những sự thật bất lợi có sẵn). Các công ty khác là 2,84%.
Thuế suất sẽ có hiệu lực ngay khi DOC công bố nội dung lên Công báo liên bang (Federal Register). Việc này dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Ngay sau khi quyết định sơ bộ của DOC được công bố chính thức, các nhà nhập khẩu tôm từ các công ty từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam phải chịu thuế chống trợ cấp sơ bộ, tuy nhiên nhập khẩu từ Indonesia sẽ không phải chịu đặt cọc.
Song, thuế chống trợ cấp sơ bộ sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng các nước này không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Hoa Kỳ, nhưng quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024, nghĩa là các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với mức chi phí cho phần lớn thời gian còn lại của năm.
4 quốc gia là mục tiêu điều tra chống trợ cấp của DOC lên đến 709.804 tấn (tương đương 90%) trong số 788.209 tấn tôm được Mỹ nhập khẩu vào năm 2023, và gần 5,6 tỷ USD (87%) trong tổng giá trị 6,4 tỷ USD tôm được nhập khẩu vào nước này năm rồi.
Trong đó, Ấn Độ đã xuất khẩu 296.400 tấn tôm trị giá 2,47 tỷ USD sang Mỹ, tăng 2% so với năm trước và tăng 215% về giá trị và 125% về khối lượng trong 10 năm qua. Ecuador xuất khẩu 205.684 tấn sang Mỹ, tăng 3% và Indonesia xuất khẩu 146.258 tấn sang Mỹ, giảm 12%. Việt Nam xuất sang Mỹ 61.516 tấn, giảm 13%.
Ngành tôm Ấn Độ bị cáo buộc sử dụng lao động nô lệ, lao động trẻ em, lợi thế cho tôm Việt Nam
Không chỉ đối mặt với mức thuế sơ bộ cao, ngành tôm Ấn Độ còn bị cáo buộc sử dụng lao động nô lệ và tôm dương tính với chất kháng sinh.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành Tôm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Choice Canning - một nhà đóng gói và kinh doanh tôm Ấn Độ, đang là tâm điểm của hàng loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh và ngược đãi công nhân.
Thông tin trên được Dự án Đại dương ngoài vòng pháp luật (OOP) công bố trong một báo cáo vào ngày 20/3/2024. Báo cáo OOP được công bố cùng ngày với một báo cáo riêng của Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability Lab (CAL) của Mỹ về ngành tôm Ấn Độ. Theo báo cáo của CAL, vấn nạn lao động nô lệ, lao động trẻ em, cùng nhiều hình thức bóc lột khác, gây tổn hại môi trường đang tràn lan trong ngành tôm trị giá hàng tỷ đô la của Ấn Độ.
Tháng đầu năm 2024, ngành tôm Ecuador cũng bị “soi” tại thị trường Trung Quốc sau khi blogger Wang Hai, vốn được mệnh danh là chuyên gia chống hàng giả, đã “vạch trần” tôm Ecuador được bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.
“Khi ngành tôm Ấn Độ và Ecuador bị vướng vào các cáo buộc bất lợi, có thể đây cũng là những cơ hội cho tôm Việt Nam. Tuy nhiên, cảnh báo trên chứng tỏ thế giới đang rất quan tâm và ngày càng giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến lao động, lạm dụng trẻ em trong ngành thủy sản.
Để tránh những rủi ro và nguy cơ có thể xảy ra, doanh nghiệp tôm nói riêng, doanh nghiệp thủy sản nói chung cần thận trọng và đặc biệt tuân thủ các quy định về lao động, lao động nghề cá, công ước của Việt Nam cũng như công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời thông tin từ các thị trường nhập khẩu để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường”, bà Kim Thu khuyến cáo.