Phiên giao dịch sàng lọc nhà đầu tư giá trị hơn 1 tỷ USD
Sau những tuần giao dịch "tàu lượn", thị trường tiếp tục đón nhận thông tin gây nhiễu cảm xúc nhà đầu tư. Dù vậy, kết thúc phiên hôm nay (ngày 2/4) VN-Index đã thể hiện được nỗ lực vượt sóng gió cùng với thanh khoản lớn.
Định vị thị trường
Rung lắc vùng cao là trạng thái của nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhưng nhìn chung các chỉ số chứng khoán tại các quốc gia này vẫn duy trì được sự tích cực cần thiết. Phiên hôm nay (2/4), các chỉ số NIKKEI 225 (+0,09%), TWSE (+1,21%), KOSPI (+0,19%) cùng ghi nhận sắc xanh.
Trong khi với thị trường chứng khoán Trung Quốc, những nỗ lực tăng tốt trong các tuần gần đây đang được đền đáp với việc chỉ số SHCMP trở lại với xu hướng tăng dài hạn. Phiên hôm nay, SHCMP (-0,08%) đóng cửa giảm nhẹ để kiểm tra lại cung cầu.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, rung lắc đã xuất hiện trong vài tuần trở lại đây khi chỉ số đã vươn lên mức cao nhất trong vòng 19 tháng. Kể cả sau khi CTCK VNDIRECT đã kết nối trở lại với các sở sau khi bị tấn công hệ thống, thị trường cũng tiếp tục có 2 phiên liên tiếp bị thử thách. Điểm khác biệt là dòng tiền đã thể hiện được sức mạnh vào đúng thời điểm để tiếp tục nuôi hy vọng chinh phục vùng 1.300 điểm.
Chất xúc tác
Thanh khoản thị trường sau 5 phiên liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên đã được khai thông với sự đột phá. Khớp lệnh của HOSE tăng 23% so với phiên đầu tuần và trở lại mức bình quân 20 phiên.
Tất nhiên, cổ phiếu STB cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thanh khoản tăng vọt sau khi chịu tin đồn bất lợi liên quan đến lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, việc thị trường tăng đi cùng với thanh khoản cũng cho thấy hệ thống giao dịch giữa sàn và các CTCK ổn định hơn.
VNDIRECT cập nhật trong ngày 2/4, luồng giao dịch chứng khoán trên bảng giá và nền tảng app đã đi vào ổn định. Công ty sẽ tiếp tục kiện toàn và mở dần toàn bộ các kênh giao dịch trong hệ thống.
Những yếu tố khác cũng rất cần sự chú ý là việc khối ngoại tiếp tục có phiên thứ 16 bán ròng với HOSE bị rút ra gần 740 tỷ đồng: STB (-283 tỷ đồng), VCI (-224 tỷ đồng), SSI (-156 tỷ đồng), MSN (-141 tỷ đồng), VNM (-129 tỷ đồng), VHM (-118,3 tỷ đồng) bị bán ra hơn 100 tỷ đồng.
Cùng với đó, biến động của lãi suất liên ngân hàng đang có sự tăng nóng rất đáng chú ý. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, lãi suất của kỳ hạn qua đêm đã tăng hơn 12 lần lên 4,35% cho thấy đang có những chuyển động mạnh trong hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tạm thời giảm quy mô phát hành tín phiếu trong ngày hôm qua. Chỉ có 500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 2,40%. Như vậy, NHNN hút ròng 500 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 171.698,8 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Thông tin bất lợi liên quan đến Sacombank (HOSE: STB) đã nhanh chóng được ngân hàng bác bỏ và đưa ra văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, thiệt hại của STB vẫn được phản ánh vào giá cổ phiếu khi mất 3,82% sau khi giao dịch hơn 3.000 tỷ đồng, tương ứng 105 triệu cổ phiếu, mức khớp lệnh kỷ lục.
Ít nhiều, nhóm ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng khi NAB (-1,5%), VIB (-0,8%), VCB (-0,7%), VPB (-0,5%), MBB (-0,4%), BID (-0,4%), SHB (-0,4%), OCB (-0,3%).
Chỉ một số cổ phiếu như TCB (+0,4%), TPB (+0,5%), LPB (+0,3%), CTG (0%) MSB (+1,4%) thành công trong việc triệt tiêu sắc đỏ. Và các mã này cũng phải có sự kết hợp với các cổ phiếu lớn như GVR (+7%), GAS (+2,4%), BCM (+1,7%), MSN (+1,5%), PLX (+1,2%), HPG (+1%) trong nỗ lực giúp chỉ số đảo chiều.
Sau khi bị giật xuống dưới 1.270 điểm, VN-Index đã quay lại tăng 5,52 điểm lên 1.287,04 điểm (+0,43%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 27.516 tỷ đồng.
Độ rộng của HOSE khá cân bằng với 44,7% mã tăng so với 43,4% mã giảm giá. Các cổ phiếu năng lượng, dầu khí là nhóm ít chịu ảnh hưởng nhất từ thị trường nhờ có thông tin hỗ trợ Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Các mã GEG (+6,8%), PVD (+6,24%), TV2 (+2,8%), PC1 (+2,7%), NT2 (+1,4%) đều ghi nhận phản ứng tích cực.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp chỉ thực sự tăng tốc sau khi GVR có động thái "phất cờ" cuối phiên. Các mã KBC (+3,2%), DPR (+3,5%), IDC (+2,6%) tăng khá mạnh trên HOSE, trong khi trên UPCoM, NTC (+5,8%), DRI (+8,1%) ghi nhận biên độ lớn hơn.
Với nhóm bất động sản và thép, NTL (+3,1%) ghi dấu ấn với việc lập kỷ lục thời đại trong khi DXG (+3%), NLG (+1,5%), NKG (+1,55%), HSG (+2,3%) chỉ đảo chiều trong phiên chiều.
Nhóm chứng khoán cũng là nhóm đã vượt qua thử thách khi CTS (+2,6%), VIX (+1,9%), FTS (+1,4%), VND (+0,9%) kịp đảo chiều cuối phiên. Riêng cổ phiếu VND, còn là nỗ lực tăng giá đầu tiên sau khi đã có chuỗi 6 phiên liên tiếp giảm giá.
Nhìn chung, nhà đầu tư đã phải trải qua một phiên giao dịch rung lắc và nhiều cảm xúc không chỉ trên HOSE mà còn ở 2 sàn còn lại. HNX-Index và UPCoM-Index đều quay đầu tăng điểm, lần lượt 1,24% và 0,08%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.600 tỷ đồng.